Sẽ tăng thêm 30.000 MW điện gió, điện mặt trời trong 10 năm tới

Chí Hiếu
Chí Hiếu
29/09/2020 07:15 GMT+7

Ngày 28.9, Bộ Công thương tiếp tục lấy ý kiến về đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) để chuẩn bị báo cáo Thủ tướng vào tháng 10 tới.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết theo chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn tới năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện sẽ tăng thêm khoảng gần 80.000 MW so với năm 2020. Trong đó, các nguồn điện lớn như các nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến sẽ tăng thêm khoảng trên 30.000 MW; các nhà máy điện gió onshore, offshore và điện mặt trời dự kiến cũng tăng thêm khoảng gần 30.000 MW.
Tuy nhiên, phần lớn các nguồn điện này đều nằm xa phụ tải, vì vậy, công tác phát triển lưới truyền tải đặt ra nhiều nội dung cần xem xét và nghiên cứu. Bởi xu hướng truyền tải điện sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới, thay vì truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam như những năm qua, sẽ có sự thay đổi theo chiều ngược lại. Chính phủ đã có chủ trương cụ thể về triển khai nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực.
Ông Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, hiện là chuyên gia của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, lo ngại rằng việc năm 2030 có 28% nhiệt điện than trong khi năng lượng tái tạo dự kiến chiếm 30%, vượt quá điện than thì cần phải đặt ra cảnh báo là có tích năng, tích điện. Theo ông Hiến, cứ 1 MW điện gió, điện mặt trời cần 0,5 MW số tích điện (để dự phòng). Điều này sẽ nâng giá thành năng lượng tái tạo lên rất lớn, khi đó thì giá rất đắt.
Chuyên gia này cũng cho rằng việc dự kiến mỗi năm cần đến trên 13 tỉ USD trong giai đoạn từ nay đến 2030 cho đầu tư nguồn và lưới điện (theo như quy hoạch) là rất khó khả thi bởi hiện nay tìm nguồn vốn cho các dự án cỡ trên 1.000 MW rất khó.
Bà Lê Thị Thu Hà, Phòng Phát triển hệ thống điện của Viện Năng lượng - đơn vị tư vấn lập Quy hoạch điện VIII, cho biết vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 cần tới 133,3 tỉ USD cho ngành điện, trong đó phần dành cho nguồn cần tới 96 tỉ USD, phần cho lưới điện cần gần 37,3 tỉ USD, tức mỗi năm cần 13,3 tỉ USD cho vốn đầu tư nguồn và lưới điện. Cùng với đó, chi phí biên dài hạn của điện năng sẽ tăng từ hơn 7 cent/kWh như hiện nay lên 9,2 cent vào năm 2030 và lên 9,6 cent vào năm 2045.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.