Thí sinh không thể trông chờ vào “ăn may”
Tại cuộc họp báo của Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 28.9.2016 về phương án thi THPT quốc gia 2017, PV Thanh Niên đã đặt câu hỏi: Quy định điểm liệt của mỗi bài thi độc lập (theo thang 10 điểm) là 1 điểm; điểm liệt của mỗi môn thành phần (theo thang 10 điểm) của các bài thi tổ hợp cũng 1 điểm. Nhiều ý kiến cho rằng với đề thi trắc nghiệm, thí sinh (TS) có thể đánh “bừa” câu trả lời cũng có thể dễ dàng được tối thiểu 2 điểm. Vậy tại sao Bộ vẫn giữ mức điểm liệt là 1 mà không nâng lên 2 điểm?
|
|
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, đã trả lời: “Đúng là có ý kiến cho rằng đánh “bừa” cũng đúng được 25% nhưng qua phân tích kết quả đánh giá kết quả trắc nghiệm khách quan trong các môn thi vừa qua thì thấy rằng điểm liệt là 1 như phương án chính thức vẫn là hợp lý”.
Tuy nhiên, cán bộ khảo thí của một sở GD-ĐT phía bắc khi trao đổi với PV Thanh Niên vẫn cho rằng nếu cách ra đề và đáp án đề thi trắc nghiệm như các năm trước thì đúng là nếu TS chọn tất cả các phương án là A hoặc B, C, D thì sẽ được tối thiểu 2,5 điểm/môn. Trừ trường hợp TS không làm gì hoặc không biết gì nhưng lại chọn câu thì đáp án A, câu thì B, C, D mới có thể bị điểm liệt.
Trao đổi thêm, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, lý giải: “Đúng là nhiều năm các đề thi trắc nghiệm thường chia đều". Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, việc nhiều năm vẫn làm như vậy không có nghĩa sẽ xảy ra trong năm nay hay các năm tiếp theo. Đáp án đúng có chia đều cho 4 phương án hay không thì không có quy định bắt buộc nào cả, nên điều đó có thể thay đổi ngẫu nhiên từng năm”. Ông Nghĩa cho biết đáp án trắc nghiệm năm nay sẽ chia ngẫu nhiên chứ không phải tất cả các câu đều chia đúng cho 4 phương án.
Ông Nghĩa tư vấn: "TS không nên và không thể trông chờ vào "ăn may" kiểu như vậy, vì xác suất bị điểm liệt và rủi ro là rất lớn”.
tin liên quan
Chỉ học sinh không muốn tốt nghiệp mới bị điểm liệtTheo ý kiến của nhiều chuyên gia, do các môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 thi theo hình thức trắc nghiệm trong khi quy định điểm liệt vẫn là 1, nên nhiều khả năng sẽ có rất ít thí sinh rơi vào trường hợp này.
Cần lộ trình điều chỉnh mức điểm liệt
Với quy định điểm 1 là điểm liệt, theo các chuyên gia, về mặt xác suất thống kê sẽ không đạt được mục tiêu sàng lọc, hạn chế học sinh (HS) học lệch. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng muốn điều chỉnh cần có sự phân tích kỹ lưỡng và lộ trình thực hiện cụ thể để không làm ảnh hưởng HS, phụ huynh.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia TP.HCM, dự đoán kỳ thi THPT quốc gia chắc chắn tỷ lệ HS bị điểm liệt sẽ giảm mạnh. Đồng nghĩa số lượng HS trượt tốt nghiệp THPT cũng sẽ giảm mạnh. Lúc này, cả hai mục tiêu là sàng lọc và hạn chế HS học lệch sẽ không đạt được. Vì vậy, việc cần làm là phải nâng mức điểm liệt lên 2,5 hoặc 3 (mức điểm đảm bảo HS đáp ứng kiến thức tối thiểu ở tất cả các môn). Tuy nhiên, thời gian để HS chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi THPT quốc gia ít nhất cũng phải từ một đến nhiều năm trước đó. Vậy nâng mức điểm liệt ở thời điểm này không giải quyết được vấn đề đảm bảo học đều mà còn làm cho việc tổ chức kỳ thi, xét tuyển bị xáo trộn. Do đó, dựa vào số liệu thống kê điểm liệt giữa các năm, tỷ lệ chênh lệch giữa số lượng HS bị điểm liệt ở các môn thi trắc nghiệm và thi tự luận, Bộ cần phải có sự phân tích kỹ lưỡng để xây dựng chính sách phù hợp.
Tiến sĩ Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng điều chỉnh mức điểm liệt cần có sự đồng bộ, thống nhất giữa tất cả các môn thi. Với bài thi tự luận, mức điểm liệt là 1 như hiện tại là phù hợp. Còn với các môn thi trắc nghiệm thì xác suất chọn đáp án đúng ít nhất cũng trên 20% cho một bài thi. Như vậy, mức điểm liệt phải tăng ít nhất là trên 2 điểm thì mới phù hợp. Do đó, việc điều chỉnh, thay đổi cũng cần có lộ trình từng bước một. Trước tiên là phải đồng bộ hình thức thi. Tức là nếu chọn thi trắc nghiệm thì thi trắc nghiệm hết các môn, còn nếu thi tự luận thì thi tự luận hết các môn.
Mỗi TS một mã đề khác nhau chứ không phải đề thi khác nhau
Liên quan đến đề thi, nhiều người vẫn nghĩ kỳ thi năm nay mỗi TS sẽ có một đề thi khác nhau. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, điều này không hoàn toàn đúng nếu hiểu theo nghĩa trong một phòng thi sẽ có 24 đề thi mà các câu hỏi trong đó hoàn toàn khác nhau, không đề thi nào có câu hỏi giống các đề thi còn lại. Trên thực tế, mỗi TS sẽ có một mã đề khác nhau, trong 24 đề thi của một phòng thi vẫn có những đề có nội dung giống nhau, chỉ khác là các câu hỏi sẽ được đảo vị trí để tránh trường hợp TS có thể ra ký hiệu hoặc nhắc bài nhau. Bộ GD-ĐT sẽ không tiết lộ có bao nhiêu đề thi hoàn toàn khác nhau trong một phòng thi.
Tuệ Nguyễn
|
ĐÍNH CHÍNH
Ngày 15.3.2017, Báo Thanh Niên đã đăng tải bài báo Sẽ thay đổi cách phân chia đáp án đúng để tránh đánh 'bừa' cũng được 2,5 điểm, trong đó có đoạn: “Tiến sĩ Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng điều chỉnh mức điểm liệt cần có sự đồng bộ, thống nhất giữa tất cả các môn thi...”.Do lỗi sai sót của phóng viên, nay xin đính chính thông tin trên là của lãnh đạo một trường đại học, không phải của tiến sĩ Dương Thị Hồng Hiếu. Thanh Niên gửi lời xin lỗi tiến sĩ Dương Thị Hồng Hiếu và bạn đọc.
THANH NIÊN
|
Bình luận (0)