Đồng tử có hình tròn ở giữa mắt, có khả năng co giãn theo cường độ ánh sáng. Có một tình trạng cực kỳ hiếm gặp khiến 1 mắt có đến 2 đồng tử gọi là polycoria, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Bệnh polycoria có thể ảnh hưởng ở 1 hoặc cả 2 mắt. Tình trạng này có thể khiến mắt bị ảnh hưởng và có đến 2 đồng tử trở lên. Dù polycoria có thể xuất hiện khi người mắc còn nhỏ nhưng thường chỉ được chẩn đoán khi đã đến tuổi trưởng thành.
Một số vấn đề sức khỏe như tăng nhãn áp, mắt phát triển không đều hay bong võng mạc cũng có thể dẫn đến bệnh polycoria.
Polycoria có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến thị lực. Vì khi có nhiều đồng tử thì sẽ làm hạn chế lượng ánh sáng đi vào mắt, dẫn đến suy yếu thị lực. Hai đồng tử cũng khiến khó tập trung thị lực hơn, dẫn đến mắt mờ, nhìn ra ảnh đôi. Người bệnh cũng cảm thấy khó chịu với ánh sáng mạnh hoặc phản chiếu gây chói từ gương, nước hay các bề mặt khác.
Tuy nhiên, một số người bị polycoria lại không gặp bất kỳ vấn đề thị lực nghiêm trọng nào. Cuộc sống hằng ngày của họ vẫn diễn ra bình thường mà không bị ảnh hưởng gì.
Trong khi đó, những người bị triệu chứng mờ mắt, không thể tập trung thị lực thì cần được điều trị. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất là phẫu thuật tạo hình đồng tử.
Tuy nhiên, có một tình trạng khác gọi là pseudopolycoria có thể dễ gây nhầm lẫn với polycoria. Người mắc pseudopolycoria không thực sự có 2 đồng tử mà chỉ hình thành một vòng tròn bất thường trên mống mắt, khiến nhìn vào tưởng như có 2 đồng tử. Do vòng tròn này không phải đồng tử nên chúng cũng không có các cơ để điều khiển co giãn đồng tử.
Bệnh pseudopolycoria thường không gây ra bất kỳ vấn đề thị lực nào. Tuy nhiên, những người bị tăng nhãn áp ở độ tuổi vị thành niên, loãn dưỡng cơ và hội chứng Seckel sẽ có nguy cơ mắc pseudopolycoria cao hơn, theo Healthline.
Bình luận (0)