'Sẽ thêm tội danh lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân vào luật Hình sự'

Mai Hà
Mai Hà
07/11/2023 13:08 GMT+7

Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định, việc xử lý tình trạng lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân tại Việt Nam đang rất cấp bách. Bộ đang sửa luật Hình sự, bổ sung tội danh này để xử lý nghiêm.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an trong phiên họp Quốc hội sáng 7.11, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) nêu thực trạng báo động lộ lọt thông tin của người dân. 

'Sẽ thêm tội danh lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân vào luật Hình sự' - Ảnh 1.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ)

GIA HÂN

Theo ông, hiện tình hình thông tin cá nhân bị lộ lọt số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân của người dân đang rất phổ biến. Bên cạnh đó, người dân còn nhận các thông tin, tin nhắn lừa đảo, các đường link giả mạo, bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào, giới thiệu các loại dịch vụ khác nhau. Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng Công an nêu rõ giải pháp để giải quyết tình trạng này trong thời gian tới.

Đáp lại đại biểu Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân rất quan trọng không chỉ với Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng rất quan tâm. Đây là vấn đề thực tiễn rất cấp bách đặt ra ở Việt Nam hiện nay.

“Chúng tôi đánh giá tình trạng lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân ở Việt Nam hiện nay rất nghiêm trọng”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh. Theo ông, có 2 yếu tố, một là tội phạm xâm nhập, đánh cắp dữ liệu cá nhân rất lớn. Trong năm 2023, Bộ Công an đã cảnh báo hàng chục triệu vụ việc có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu quốc gia, nhiều vụ ăn cắp dữ liệu cá nhân.

Hai là ý thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu chưa cao, sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân cho người khác khi thực hiện các giao dịch dân sự “cũng hơi dễ dãi”.

Bộ Công an đã tập trung xử lý vấn đề này rất nhiều. Hiện đang áp dụng điều 288 của bộ luật Hình sự về đưa và sử dụng trái phép thông tin để xử lý. Để khẩn trương xử lý, Bộ Công an cũng đang hoàn thiện hành lang pháp lý, tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

'Sẽ thêm tội danh lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân vào luật Hình sự' - Ảnh 2.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

GIA HÂN

Theo lộ trình của Đề án 06 trong năm 2024 đề xuất xây dựng luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội cho ý kiến. Đồng thời, đề xuất sửa đổi luật Hình sự thêm tội danh lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân để xử lý rất nghiêm hành vi này.

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả bảo vệ pháp luật của nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, xác định và thực hiện nghiêm. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của luật An ninh mạng và Nghị định 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đặc biệt, xác định và thực hiện nghiêm trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được quy định chặt chẽ trong luật và nghị định này.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động không cung cấp các thông tin nếu không được pháp luật quy định ban hành…

"1 cảnh sát khu vực quản lý 3.000 hộ dân, thời gian đâu nắm địa bàn?"

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM) cho biết, việc giảm số lượng cảnh sát khu vực là chưa phù hợp với một số địa bàn, nhất là địa bàn có đông dân cư như TP.HCM. 

Bà cũng lấy ví dụ tại địa bàn tại Q.1, TP.HCM, sau sắp xếp đơn vị hành chính, từ 122 cảnh sát khu vực quản lý cho 239.000 dân hiện chỉ còn 98 người. Trong khi đó, riêng đội hành chính mỗi một ngày phải nhập liệu đăng ký khách du lịch ngoại quốc khoảng 5.000 người. 

"Không thể phủ nhận vai trò của cảnh sát khu vực, bởi họ nắm sát địa bàn, giữ mối liên hệ với nhân dân. Việc tăng cường quản lý bằng điện tử, bằng camera. Nhưng một cảnh sát khu vực quản lý 3.000 hộ dân, suốt ngày chỉ cần ngồi xem camera, thời gian đâu giữ mối liên hệ với nhân dân. Thời gian đâu bám sát được địa bàn, thời gian đâu để chính người cảnh sát đó tái tạo sức lao động", đại biểu Châu nêu và mong muốn Bộ trưởng Công an đánh giá vai trò của cảnh sát khu vực, cũng như lực lượng an ninh ở cơ sở.

'Sẽ thêm tội danh lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân vào luật Hình sự' - Ảnh 3.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM)

Đáp lại đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, TP.HCM ngành công an đang rất thiếu so với biên chế, với tốc độ gia tăng dân số hiện nay thì phải tăng cường thêm. 

Ông cũng dẫn ra ví dụ một xã thuộc H.Bình Chánh dân số đã lên tới 120.000 người, trong khi huyện sắp lên quận, phải chuẩn bị lực lượng cảnh sát khu vực để đáp ứng. Về giải pháp, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, hiện nhiều công việc đã phân cấp, chuyển về cho công an phường, xã như đăng ký xe máy... Nguồn nhân lực đảm nhận những công việc này trước đó tại tỉnh, huyện sẽ điều chuyển về phường xã. 

Ngoài ra, cảnh sát khu vực không cần đến từng nhà như trước đây mà có thể quản lý qua điện thoại thông minh, Zalo... 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.