Sẽ yêu cầu ông Võ Kim Cự trả lời về trách nhiệm liên quan đến vụ Formosa

23/07/2016 12:25 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ gặp ông Võ Kim Cự để nhắc nhở việc tiếp xúc báo chí, thay vì tránh né.

Tại cuộc gặp gỡ sáng nay (23.7), báo chí phản ánh với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về việc kể từ đầu kỳ họp Quốc hội đến nay, báo chí rất khó tiếp tiếp xúc, phỏng vấn các Đại biểu Quốc hội về vụ việc Formosa.
Cụ thể trong số Đại biểu Quốc hội mà báo chí khó tiếp cận có Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ông Võ Kim Cự là người được cho là có trách nhiệm liên quan đến vụ Formosa.
Trong những ngày qua mặc dù các nhà báo liên tục tiếp cận ông Võ Kim Cự để phóng vấn nhưng ông Cự luôn từ chối, tránh né.
Trước đó, tại báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước được Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày trước Quốc hội sáng 20.7 cho biết, cử tri và nhân dân cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường trong vụ Formosa.
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc các Đại biểu Quốc hội không trả lời về vụ Formosa có thể do các đại biểu không ở Hà Tĩnh, không nắm được đầy đủ các thông tin liên quan.
“Nhiều Đại biểu Quốc hội chỉ biết Formosa gây ô nhiễm môi trường nhưng nguyên nhân thế nào, xử lý tới đâu như thế nào thì không biết”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Về việc ông Võ Kim Cự tránh né báo chí, Chủ tịch Quốc hội nói rằng, chỉ biết thông tin này sau khi báo chí phản ánh. “Tôi sẽ gặp gỡ ông Võ Kim Cự để nhắc nhở là Đại biểu Quốc hội phải tiếp xúc báo chí, thông tin cho báo chí, nhất là sự kiện xảy ra khi mình đang làm lãnh đạo tỉnh nhà, hơn ai hết mình phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí thì sẽ rất tốt. Những thông tin được cung cấp kịp thời đúng đắn sẽ giúp báo chí có cái nhìn đẩy đủ, đưa thông tin kịp thời còn hơn mập mờ, tránh né”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại sinh hoạt Quốc hội cũng trao đổi với các Đại biểu Quốc hội về vấn đề này. “Trong tiếp xúc báo chí mà Đại biểu Quốc hội khoát tay từ chối thì không hay. Nếu hình ảnh đó bị đưa lên báo chí, đưa lên mạng thì rất phản cảm, mất hình ảnh của Đại biểu Quốc hội”, bà Kim Ngân nói.
Trả lời câu hỏi về việc Quốc hội tiếp tục giám sát, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan vụ Formosa, Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc giám sát đang được thực hiện. Khi vụ việc diễn ra thì không chỉ Chính phủ giám sát mà Quốc hội cũng giám sát độc lập để có những đánh giá phản biện có cơ sở.
Không chỉ đối với Formosa, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sắp tới sẽ thực hiện chương trình giám sát việc chấp hành thực hiện chính sách bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế. “Trong giám sát phải làm rõ trách nhiệm thuộc về ai. Giám sát nói nhiều cả chục trang nhưng không rõ trách nhiệm cụ thể của ai, Đại biểu Quốc hội sẽ không nghe”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Nhấn mạnh Hiến pháp 2013 đã quy định về việc người dân có quyền sống trong môi trường trong lành, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, bất cứ cá nhân, tổ chức nào làm cho môi trường bị ảnh hưởng đều phải chịu trách nhiệm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam đã và đang chuyển đổi mô hình phát triển trong đó nhấn mạnh việc không tăng trưởng với bất cứ giá nào. “Formosa là một bài học, một kinh nghiệm đắt giá chúng ta để rà soát lại các dự án đầu tư, chính sách đầu tư trong tương lai”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chưa thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra vụ Formosa
Trả lời câu hỏi về việc Quốc hội có lập Ủy ban lâm thời điều tra vụ Formosa hay không, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, hiện chưa có chủ trương này. Theo bà Kim Ngân để có kết luận về vụ Formosa, Chính phủ đã phải rất cố gắng, huy động các nhà khoa học trong và ngoài nước điều tra thực địa để có được báo cáo và cuối cùng Formosa đã phải cúi đầu nhận lỗi, cam kết khắc phục, bồi thường và cam kết thay đổi công nghệ.
“Đó là thắng lợi bước đầu của chúng ta. Hậu quả diễn ra rồi, việc đấu tranh người dân nói là chậm, nhưng thực sự không nhanh được. Phải có căn cứ, cơ sở khoa học, có bằng chứng cụ thể thì Formosa mới nhận tội chứ chỉ nói không thì họ nhận đâu”, bà Kim Ngân nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong quá trình đấu tranh Chính phủ đã làm chặt chẽ và đang chỉ đạo vấn đề này tuy nhiên Quốc hội vẫn thực hiện chương trình giám sát.
“Hiện chưa đặt vấn đề thành lập Ủy ban lâm thời điều tra vụ Formosa vì các cơ quan đã vào cuộc và có các báo cáo cụ thể. Bộ Chính trị đã họp nhiều phiên để nghe báo cáo và chỉ đạo chặt chẽ mới có được kết quả như vậy. Quốc hội sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện cam kết của Formosa và sẽ giám sát bằng hình thức thích hợp”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.