SEA Games 30: Xem bóng đá có văn hóa đừng đả kích cầu thủ

Tấn Đạt
Tấn Đạt
03/12/2019 19:05 GMT+7

Từ câu chuyện cộng đồng mạng chỉ trích thủ môn Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm trong hiệp 1 khi U.22 Việt Nam đá với U.22 Indonesia trong SEA Games 30 , nhiều bạn trẻ cho rằng hãy xem bóng đá với tinh thần yêu nước, hãy là những người có văn hóa, đừng đả kích cầu thủ.

Nhiều bạn trẻ cho rằng khi xem bóng đá, chúng ta có thể phê bình, góp ý chứ không nên mạt sát hay đả kích từng cá nhân khi họ mắc sai lầm. Kể cả đội bóng thua hay thắng cũng đừng  chỉ trích, phê phán nặng lời.

Ai cũng mắc sai lầm

Tuy là nữ nhưng chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, 23 tuổi làm việc tại tòa nhà số 311 Điện Biên Phủ TP.HCM, không bỏ sót trận đấu nào của U.22 Việt Nam trong SEA Games 30 này . Chị Duyên cho rằng mọi người đừng quá khắt khe với các cầu thủ trẻ khi đá không vào lưới đối thủ hoặc không thể hiện được hết khả năng vì những cầu thủ nổi tiếng trên thới giới ai cũng từng mắc sai lầm. Họ vẫn còn thời gian để hoàn thiện bản thân, hãy có cái nhìn dễ dàng hơn với các cầu thủ.
“Khi xem bóng đá, chúng ta có thể phê bình, góp ý chứ không nên mạt sát hay đả kích từng cá nhân khi họ mắc sai lầm. Kể cả đội bóng thua hay thắng cũng đừng chỉ trích hay phê phán nặng lời”, Mỹ Duyên chia sẻ.
Anh Võ Phi Thành Đạt, công tác tại Đoàn Thanh niên Học viện Cán bộ TP.HCM, cho biết xem bóng đá đúng nghĩa cần phải hiểu tường tận là chúng ta đang xem một bộ môn thể thao vua trong đó thắng hay bại là ý chí và tài năng của cả một tập thể đội bóng. Mỗi cá nhân cầu thủ, thủ môn sẽ đóng vai trò riêng trong mỗi một trận đấu và đòi hỏi có sự gắn kết ăn ý tạo nên khối sức mạnh tổng hợp.
“Cho nên theo mình không thể đánh giá anh này hay anh kia đá sai hay bắt hỏng mà hãy nhìn nhận đó là nỗ lực của cả tập thể thi đấu vì màu cờ tổ quốc trên ngực.  Xem bóng đá là để giải trí và phần nào đó thể hiện tự tôn dân tộc chứ  không phải để soi mói, chỉ trích sai sót của người khác.  Chúng ta cần tôn trọng những gì diễn ra trên sân bóng, thể hiện tinh thần yêu bóng đá qua việc cổ vũ văn minh. Có thể  bình luận để thêm phần hấp dẫn của trận bóng chứ không phải chỉ trích nhau để làm mất không khí giải trí của khán giả đang xem và tinh thần thi đấu của các cầu thủ, thủ môn đang thi đấu”,  anh Thành Đạt chia sẻ.
Ngô Thị Nhật Lệ, 22 tuổi,  cựu  sinh viên  trường Học viện Hành chính Quốc Gia TP.HCM cho biết: “Người xem bóng đá có văn hóa thì đầu tiên phải có ý thức. Người xem bóng đá là phải để ý từng đường lăn của trái bóng, từng cầu thủ ra sân chứ không phải là những sai lầm của họ. Dù thắng hay thua thì cầu thủ cũng đã cố gắng rất nhiều rồi. Bản thân mình cũng từng mắc sai lầm trong cuộc sống, quan trọng là mình có nhìn nhận và đứng lên trong lần vấp ngã đó hay không thôi”.

Niềm vui xem bóng đá

Tấn Đạt

Kết bạn thêm khi xem bóng đá

Anh Nguyễn Chí Tâm, 18 tuổi ngụ tại đường Lạc Long Quân P.3 Q.11 TP.HCM,  tâm sự nhờ bóng đá mà mình kết  được  nhiều  bạn hơn.
“Trong xóm có vài người bằng tuổi và lớn hơn mình cũng có. Khi mà xem được vài trận bóng đá của đội tuyển Việt Nam thì tụi mình bắt đầu thích đá banh và bắt chuyện nói với nhau, kể cho nhau nghe những kiến thức bóng đá , rồi ngày hôm sau tụi mình quyết định đi chơi bóng đá nhiều hơn thường là buổi chiều. Lớn hơn tí tuổi,  mình với những người bạn quen lúc đấy về chung đội và bắt đầu đi giao lưu và từ những bạn gần đó, mình quen nhiều người hơn”, Chí Tâm chia sẻ.
Trong khi đó, anh Võ Phi Thành Đạt, kể lại  đã từng đi cổ vũ cho đội tuyển nước nhà tại SVĐ Mỹ Đình. Khi cầu thủ đá vào thì cổ động viên hò reo dữ dội, cầm cờ kết đoàn với các khán giả cùng hàng ghế ăn mừng "Việt Nam vô địch" ... Đi xem bóng đá, sung sướng nhất là từ những người xa lạ, xóa đi khoảng cách kết với nhau qua bàn tay ôm nhau reo hò chiến thắng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.