Shop online 'nóng mặt' với công ty vận chuyển

11/01/2022 14:16 GMT+7

Kinh doanh online bùng nổ kéo theo sự phát triển nhanh chóng của các công ty dịch vụ vận chuyển. Khâu giao nhận này gặp trục trặc, lập tức các chủ shop đứng ngồi không yên.

Nhu cầu giao hàng dịp cuối năm tăng cao

đinh đang

Rủi ro ngâm hàng, trả hàng

Anh Nguyễn Văn Tí, chủ hộ kinh doanh mặt hàng ngũ cốc trộn dành cho chim cảnh tại Đồng Tháp, chia sẻ: Việc kinh doanh qua mạng ngày nay khá thuận lợi nhờ kết nối qua internet, các đơn vị dịch vụ vận chuyển cũng phát triển mạnh. Mặc dù có nhiều công ty để lựa chọn nhưng rủi ro trong quá trình giao nhận là việc khó tránh khỏi, trong đó người bán luôn chịu thiệt thòi. Mặt hàng của tôi là hàng nặng ký, gửi hàng đi mà bị trả về là phải chịu phí 50%. Tháng rồi tôi bị dính 2 đơn gửi hàng đi Đồng Nai và Bình Dương, để ngâm hơn nửa tháng rồi bị trả về, vừa mất phí vừa mất khách, bán hàng mà không đủ tiền trả cước phí!

Chị Nguyễn Thị Bích Trâm, chuyên kinh doanh đồ ngủ tại Bình Định, bộc bạch: Tôi đang sử dụng dịch vụ chuyển phát thì lo sợ nhất là bị khách phàn nàn giao hàng chậm. Có lần hàng giao tới kho thì giữ ở đó rồi tự hoàn về luôn, khách thì đợi mòn mỏi. Chị Minh Thu, kinh doanh đồ gia dụng tại Hà Nội, bức xúc: Tôi chuyển hàng qua công ty dịch vụ giao hàng, shipper không giao hàng cho khách cũng không gọi cho khách cuộc nào mà báo trên app (ứng dụng) là khách không nghe máy! Shop gọi cho shipper 2 ngày liên tục cả mấy chục cuộc mà người giao cũng không thèm nghe. Tôi bán cả tháng trời mới được 1 đơn chỉ mong giao thành công mà gặp đơn vị giao nhận kiểu này thì quá thất vọng.

Đau lòng ngâm tiền, nợ tiền

Các chủ shop online phụ thuộc vào shipper giao hàng

đinh đang

Vận chuyển và giao hàng là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng khi mua trực tuyến. Với xu hướng mua sắm online bùng nổ, các công ty trong lĩnh vực giao nhận cũng nở rộ, tuy nhiên chất lượng phục vụ mỗi nơi mỗi khác. Đặc biệt là trong phân khúc giao nhận dành cho các shop là chủ hộ lẻ không tham gia vào các sàn thương mại điện tử thường xuyên xảy ra tình trạng tranh chấp khiếu nại. Anh Hoàng Phát, chủ shop mua bán phụ tùng đồ chơi ô tô tại tỉnh Thừa Thiên-Huế kể: Tôi đặt dịch vụ giao hàng, khách đã nhận hàng, trả tiền rồi nhưng trên hệ thống vẫn báo là đang giao hàng. Tôi thắc mắc hỏi nhiều người đồng nghiệp thì mới biết đó là “mánh” mượn tiền của các shipper. Đối với các đơn hàng có giá trị cao, họ nhận tiền của khách nhưng chưa nộp ngay cho công ty quản lý mà dùng để xài riêng, đến khi nào có đơn hàng khác có giá trị tương đương thì họ mới báo là đã hoàn thành giao hàng để xoay vòng tiền “mượn tạm”. Nếu shipper chưa hoàn lại tiền thì đơn hàng giao cứ bị treo như vậy và tiền của khách, tức là các chủ shop bị chiếm dụng.

Liên tiếp trong nhiều ngày gần đây, các chủ shop bán hàng online thường xuyên than phiền về dịch vụ vận chuyển của công ty Best Express, đa số vì các lý do chậm giao hàng, hoặc không giao hàng cho khách mà lại báo hủy, đặc biệt là nợ tiền COD (thu hộ của khách) nhưng không trả lại cho shop. Anh Nguyễn Quốc Tú, chủ shop mua bán camera tại Dĩ An, Bình Dương bức xúc: Tôi bị công ty giao hàng Best Express giữ tiền thu hộ hàng tháng trời nhưng không biết đòi lại bằng cách nào, gọi lên tổng đài thì không ai nghe máy, ra bưu cục thì đóng cửa…

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, Công ty TNHH Best Logistics Technology Việt Nam được thành lập từ năm 2018, đến tháng 11.2020 đã đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp đến 6 lần, và chính sách của công ty này là mở rộng đại lý bưu cục tại các địa phương bằng hình thức nhượng quyền. Trường hợp có nhiều khách hàng khiếu nại phản ảnh về bưu cục Dĩ An, đại diện Best Express cho biết: “Bưu cục Dĩ An là bưu cục nhượng quyền của Best và đơn vị này đã đóng cửa đột ngột mà không thông báo trước cho chúng tôi. Hiện nay Best đang tổng hợp thông tin đơn hàng của mình để gửi về công an địa phương nhờ can thiệp xử lý”.

Mặc dù nhận được phản hồi như vậy nhưng một số khách hàng vẫn còn bức xúc. Theo đại diện của nhóm khách hàng này, Best Express đã ký hợp đồng nhượng quyền, đã nhận tiền ký quỹ cũng như phí nhượng quyền của các đại lý thì phải có trách nhiệm bồi hoàn cho khách hàng nếu xảy ra sự cố, không thể đổ cho đại lý nhượng quyền ôm hàng ôm tiền của khách bỏ trốn rồi để cho khách hàng chịu thiệt.

Tôi đã sử dụng dịch vụ giao nhận của rất nhiều công ty, đơn vị khác nhau. Rủi ro bị trả hàng, mất hàng, tranh chấp khiếu nại với các chủ shop thì đơn vị nào cũng có. Theo quy định bồi hoàn của đa số các công ty vận chuyển thì họ chỉ đền bù nếu khách hàng có đóng phí bảo hiểm và mức đền tối đa cũng chỉ đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế là các chủ shop thường không mua bảo hiểm, nên rủi ro khi bị mất hàng ít khi được giải quyết thỏa đáng.

Chị Phạm Thu Hoài, bán đồ quần áo thời trang tại Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.