Trái cây dội chợ, giá rẻ như cho

04/01/2022 06:56 GMT+7

Thị trường Trung Quốc đóng cửa trong mùa cao điểm cuối năm đã khiến sản lượng nông sản trái cây VN dồn ứ, bán tháo, kéo theo nhiều mặt hàng khác cùng rớt giá.

Mít, xoài, dưa hấu đại hạ giá

Đến sáng 3.1, Kim Ngân, phụ trách kinh doanh một công ty xuất khẩu nông sản tại tỉnh Yên Bái, vẫn đang miệt mài chào bán dưa hấu bị quay đầu tại cửa khẩu.

“Em chào bán các đầu mối tiêu thụ nội địa suốt mấy ngày nay, không nghỉ tết dương lịch”, Ngân than thở và cho biết, dưa hấu loại 1 xuất khẩu bán cả container 28 tấn giá 110 triệu đồng. Đến nay còn lại 2 container chưa bán được, công ty giảm giá còn 95 triệu đồng, tính ra chỉ có 3.000 đồng/kg, giá rẻ như cho, nhưng vẫn chưa có người lấy.

Hiện nay kho của tôi có trên 20 xe container thanh long nằm tại các cửa khẩu phía bắc nhiều ngày, trong đó có 3 xe container thanh long đang quay đầu “bán đổ, bán tháo” tại Hà Nội chỉ mong lấy lại chi phí xăng xe.

Bà Trần Thị Thanh Lan - Chủ kho thanh long Thanh Châu

Dưa hấu thời điểm hiện nay đang thu hoạch rộ khắp cả nước. Nhiều vùng trồng tại Gia Lai, Đắk Lắk đang đổ đống dọc đường chào bán với giá chỉ khoảng 2.000 - 2.500 đồng/kg. Giá dưa hấu loại 1 tại các tỉnh lân cận TP.HCM như Tây Ninh, Bình Dương, Long An cũng ở mức 5.500 - 6.000 đồng/kg. Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Long An, nông sản địa phương chỉ tiêu thụ nội tỉnh khoảng 20 - 65% tùy loại, còn lại cung cấp cho TP.HCM và các tỉnh lân cận. Riêng thanh long, chanh, mít, dưa hấu thì chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó thanh long khoảng 80% sản lượng, chanh không hạt 60% sản lượng… Vì vậy, ách tắc từ cửa khẩu Trung Quốc tạo áp lực rất lớn đến thị trường nội địa. Tại khu vực ĐBSCL, nhiều loại trái cây cũng đồng loạt rớt giá, trong đó mít là nặng nề nhất. Hiện nay ở Tiền Giang, Đồng Tháp và một số tỉnh khác, nhà vườn đang phải bán mít với giá trung bình 2.000 - 3.000 đồng/kg, thế nhưng thương lái lại rất kén chọn. Những trái mít bị xơ đen, côn trùng làm hỏng vỏ... sẽ không được thu mua.

Giá nhiều loại trái cây đang rớt mạnh do thị trường Trung Quốc đóng cửa

Q.T

Lê Viết, chủ một vườn mít tại H.Tân Uyên (Bình Dương), cho biết: “Hiện nay thị trường tiêu thụ chính là TP.HCM và một số tỉnh lân cận, nhưng đi đâu cũng thấy mít đổ đống. Với giá bán như thế này thì nông dân chắc chắn thua lỗ. Năm nay giá vật tư, phân bón đều tăng cao, dịch bệnh lại kéo dài ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Nông dân chỉ trông chờ vào vụ cuối năm, nhưng tình hình hiện tại thì rõ ràng rất bi đát”.

Giá các loại trái cây khác như khóm (dứa), mãng cầu xiêm, hồng xiêm, xoài... cũng giảm từ 10 - 15% so với tuần trước. Giá xoài keo rớt còn 3.000 đồng/kg, xoài Đài Loan 5.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc còn 22.000 - 25.000 đồng/kg, rớt giá hơn một nửa so với tháng trước.

Trong khi đó, tình hình tiêu thụ tại các chợ đầu mối ở TP.HCM lại chưa mấy khởi sắc. Ông Nguyễn Đình Phương, Phó giám đốc Chợ nông sản Thủ Đức, thông tin: “Chợ Thủ Đức là đầu mối phân phối nông sản, trái cây lớn nhất TP.HCM, khi chưa có dịch, hằng ngày chợ nhập 3.500 tấn, mùng 1 ngày rằm hằng tháng có thể đến 4.000 - 4.500 tấn, ngày lễ tết âm lịch có thể lên hơn 7.000 tấn. Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh nên sức mua giảm sút rất nhiều, chỉ còn khoảng 1.600 tấn/ngày, giảm gần 50% lượng tiêu thụ”.

Đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền cũng thừa nhận hoạt động tại chợ còn đang dè dặt vì vẫn còn áp dụng các quy định phòng dịch. Các chủ vựa trái cây rau củ bỏ sạp rất nhiều, nên sức mua khá chậm.

Nan giải thanh long tồn đọng

Anh Nguyễn Văn Hiền, chủ doanh nghiệp vận tải ở TP.Phan Thiết (Bình Thuận) chuyên vận chuyển hàng thanh long xuất tiểu ngạch, đang có 3 xe thanh long, 1 xe xoài bị kẹt ở Lạng Sơn và Quảng Ninh. Anh kể: Do chờ đợi quá lâu, anh lệnh cho tài xế quay đầu xe đi vào Ninh Bình, Nghệ An bán lẻ từng thùng thanh long để “gỡ được đồng nào hay đồng đó”. Một xe thanh long giá thời điểm cách đây 20 ngày cả tiền bao bì khoảng 450 - 500 triệu, giờ “gặp đâu bán đấy” có xe được 30 - 50 triệu, có xe hàng hư hỏng hết phải thuê xe môi trường mất thêm 10 triệu đồng chở đi xử lý, đổ bỏ.

Hiện nay anh Hiền còn một xe thanh long đang bán lẻ ở Vinh (Nghệ An), một xe xoài đưa lên Phú Thọ, được thùng nào hay thùng ấy. Nếu hàng còn tốt thì chở thẳng về lại Bình Thuận bán cho các đầu nậu gỡ lại tiền dầu, chứ hàng để lâu rồi thì thua.

Bà Trần Thị Thanh Lan, chủ kho thanh long Thanh Châu (xã Hiệp Thạnh, H.Châu Thành, Long An) than thở: “Hiện nay kho của tôi có trên 20 xe container thanh long nằm tại các cửa khẩu phía bắc nhiều ngày, trong đó có 3 xe container thanh long đang quay đầu “bán đổ, bán tháo” tại Hà Nội chỉ mong lấy lại chi phí xăng xe. Để chuẩn bị phục vụ thị trường tết ở Trung Quốc, kho còn đặt cọc các nhà vườn trồng thanh long hơn 1 tỉ đồng. Thế nhưng, các cửa khẩu đóng cửa, chúng tôi cũng không dám thu mua, bởi mua về kho không có chỗ chứa cũng như xuất khẩu không được”.

Ông Nguyễn Thanh Phương (Hội trưởng Hội Thanh long miền Nam) lo lắng: “Thanh long trong vòng 1 tháng phải bán, nếu không xuất bán được thì chất lượng rất kém, giá thành giảm. Nhiều doanh nghiệp đang tồn ứ rất nhiều hàng trong kho, chưa kể số tiền đã đặt cọc người dân. Do đó, nếu Trung Quốc không thay đổi quyết định tạm ngừng nhập thanh long thì cả DN và nông dân đều điêu đứng”.

Trong khi đó, ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, thông tin: Từ nay đến Tết Nguyên đán, sẽ có khoảng 11.600 ha thanh long cho thu hoạch trái vụ do bà con nông dân chong đèn điện (chiếm khoảng 30% diện tích thanh long toàn tỉnh); dự kiến sản lượng chừng 115.000 tấn chia vào các mốc thời gian thu hoạch đợt 1 từ ngày 10.1 (từ 10 - 12 tháng Chạp), đợt 2 từ ngày 15 - 20.1 (14 - 18 tháng Chạp) và đợt thu hoạch cuối mùa từ ngày 25 - 28.1 (23 - 26 tháng Chạp).

Đây là lứa thanh long trái vụ chạy điện, ít sâu bệnh, nên chất lượng rất tốt, phù hợp để xuất khẩu phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán trong nước cũng như xuất sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… vốn là các thị trường ưa chuộng trái thanh long đỏ trong dịp tết. Tuy nhiên, hiện nay thị trường Trung Quốc (chiếm 70 - 80% sản lượng thanh long Bình Thuận) đã đóng cửa nên gần như chỉ trông mong vào thị trường nội địa. “Việc tiêu thụ nội địa đã được chú trọng từ nhiều năm nay, nhưng năm nay dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, ngành du lịch, dịch vụ tiêu thụ thanh long rất ít do không có du khách”, ông Tấn chia sẻ.

Bộ NN-PTNT cũng đã chủ động có sự chuẩn bị kết nối cung cầu với các nhà phân phối, bán lẻ trên cả nước để hỗ trợ tiêu thụ tốt nhất cho nông dân. Tuy nhiên, áp lực nguồn cung tăng cao trong thời điểm cuối năm cũng có thể dự đoán được tình hình giá cả không mấy khả quan cho người sản xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.