Dù ngày 24.3, trong cuộc họp báo Công an TP.HCM khẳng định không có chuyện bắt cóc trẻ em như những tin đồn trong thời gian qua, nhưng các trường học vẫn siết chặt an ninh bảo vệ an toàn cho học sinh.
Khi bị tấn công, cha mẹ dùng hai tay ôm trọn, áp người con vào lòng, sau đó xoay người theo chiều kim đồng hồ để né và chạy thật nhanh - Ảnh: Chụp từ đoạn phim của võ sư Lê Hoàng Mai |
Trước thông tin về nạn “bắt cóc” trẻ em xuất hiện trong những ngày gần đây, dạo quanh các trường học từ mầm non đến THPT, chúng tôi nhận thấy các trường đều đẩy mạnh, tăng cường các hình thức bảo vệ học sinh (HS).
Người lạ không được vào trường
Bảo vệ các trường được chỉ đạo tuyệt đối không cho người lạ đi một mình vào trường trong lúc HS vào học và tan trường. Chẳng hạn, ở Trường mầm non Vàng Anh (Q.5), ban giám hiệu bố trí 4 bảo vệ, nhân viên túc trực tại hai cổng để kiểm soát việc đưa đón HS ở vòng ngoài. Còn vòng trong, giáo viên, bảo mẫu các lớp trực tiếp nhận và trả trẻ cho cha mẹ hoặc người thân đã đăng ký thường xuyên đến đón trẻ. Không chỉ vậy, trên Facebook, giáo viên cũng đưa những thông tin lưu ý để cùng phối hợp với gia đình bảo vệ an toàn cho trẻ.
Tương tự, tại Q.Gò Vấp, các trường mầm non đặt bảng thông báo ngay cổng trường để phụ huynh nâng cao cảnh giác và phối hợp chặt chẽ khi đưa đón HS. Bảng thông báo của các trường có ghi những nội dung như phụ huynh đưa trẻ đến lớp phải giao tận tay cho giáo viên, không để trẻ đi lên lớp, tự do chơi ở sân một mình. Ngoài ra, các trường cũng đề nghị cha mẹ nên đưa đón trực tiếp, tuyệt đối không để anh chị, cô chú... dưới 18 tuổi đưa đón trẻ. Nếu không đón trẻ được thì cha mẹ phải đăng ký cụ thể thông tin, hình ảnh, số điện thoại... của người được ủy quyền, nếu không giáo viên sẽ không giao trẻ cho người lạ khi chưa có thông báo của phụ huynh...
Thông báo của các trường để bảo vệ an toàn cho học sinh - Ảnh: Bích Thanh
|
Lên phương án phòng vệ
Các trường cũng tìm nhiều biện pháp để nâng cao cảnh giác từ giáo viên đến phụ huynh, HS. Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), thông tin: “Trước hết trường yêu cầu các bảo vệ phải tập trung quan sát, tuyệt đối không cho người không phải là cha mẹ, người đã đăng ký với trường dẫn học trò ra khỏi cổng trường đồng thời nếu đón trễ, gia đình phải báo để giáo viên, bảo mẫu phối hợp với bảo vệ có nhiệm vụ giữ trẻ trong trường...”. Ngoài ra, bà Hà cũng nhắc nhở giáo viên đưa ra các tình huống giúp HS tự bảo vệ trước người lạ ở bất cứ nơi đâu.
Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) phát thông báo cho mỗi HS mang về gia đình, đề nghị phụ huynh hợp tác bằng việc đưa đón HS đúng giờ, đúng nơi quy định, thống nhất với giáo viên, bảo mẫu người sẽ đón con em. Bên cạnh đó, phụ huynh không nên cho trẻ đeo nữ trang, mang tiền, điện thoại... để phòng tránh việc người lạ trà trộn vào thời điểm đông người gây mất an toàn cho HS. Ngoài ra, thông báo cũng đề nghị phụ huynh và giáo viên hướng dẫn HS kỹ năng khi tiếp xúc người lạ.
Dù cơ quan chức năng chưa xác định tính chân thực của thông tin “bắt cóc” nhưng lãnh đạo phòng giáo dục các quận huyện đều cho rằng ở góc độ quản lý HS, các trường cũng cần có phương án phòng vệ trước. Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Bình, cho hay phòng đã gửi văn bản yêu cầu tăng cường công tác quản lý trong nhà trường. Để tránh gây tâm lý bất an cho phụ huynh, HS, các trường phối hợp với chính quyền địa phương, phát huy vai trò của giáo viên, bộ phận giám thị, bảo vệ... để sớm phát hiện những trường hợp khả nghi.
Ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác HS, sinh viên Sở GD-ĐT TP.HCM, cũng thông tin Sở đã có văn bản yêu cầu các trường phối hợp với chính quyền địa phương, xây dựng chương trình bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học xuyên suốt trong năm học để kịp thời phản ứng trước các tình huống gây nguy hiểm cho HS trong và trước cổng trường.
Bảo vệ con trước nguy cơ bị bắt cóc
Điều phụ huynh quan tâm hiện nay là làm cách nào để bảo vệ con an toàn trước thông tin “bắt cóc” trẻ con.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt TP.HCM, không ít phụ huynh hiện nay có những thói quen sai lầm vô tình tiếp tay cho việc bắt cóc trẻ em diễn ra dễ dàng hơn. Có thể kể như việc bao bọc con cái quá kỹ, “chăm sóc đến tận răng”, khiến con mất dần khả năng ứng phó trước người lạ. Ngược lại, có phụ huynh chủ quan, vì mải lo công việc nên không dành nhiều thời gian cho con, thường đưa hình con, những thông tin cá nhân của gia đình, trường con học... lên mạng xã hội. Những điều này trở thành mục tiêu cho những kẻ xấu nhắm đến để thực hiện hành vi bắt cóc, đặc biệt đối với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả.
Kỹ năng ứng phó trước người lạ
Cũng theo ông Duy, trước những thông tin về việc “bắt cóc” trẻ em như hiện nay, phụ huynh cần có thái độ bình tĩnh và cần trang bị cho con trẻ kỹ năng ứng phó với người lạ. “Cụ thể như hướng dẫn trẻ nói không với những lời mời gọi, dụ dỗ của người lạ, tập thói quen "đi thưa về trình" để cha mẹ biết con cái đi đâu và đi với ai. Giúp trẻ học thuộc một vài số điện thoại cần thiết của một vài người quan trọng hoặc số cứu hộ là 113 để dùng đến khi cần. Ngoài ra, thay vì hù dọa trẻ “nếu không nghe lời sẽ bị bắt cóc” thì cha mẹ nên đưa ra các tình huống giả sử về việc bị người lạ dụ dỗ, đe dọa rồi cùng trẻ sắm vai để hướng dẫn cách trẻ giải quyết vấn đề.
Còn thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN, cho rằng để bảo vệ con trước những nguy cơ trẻ có thể bị bắt cóc, phụ huynh cần lưu tâm đến nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn không nên cho trẻ mặc hoặc đeo bất cứ đồ vật gì có ghi tên con mình, kẻ xấu thường lợi dụng thông tin này để giả danh như người quen biết với con bạn. Cần dạy cho con mình hét lên thật to khi phát hiện người lạ cố tình dụ dỗ hoặc dùng vũ lực: “Đây không phải ba mẹ tôi!”, để khẳng định với những người đi đường đây là những kẻ “giả danh”. Phải dạy con “Hãy la lên khi bị ép giữ im lặng, hãy kể cho người khác biết khi bị ép giữ bí mật”. Cần dạy trẻ bằng những tình huống giả định khi bị bắt cóc và hướng dẫn cách ứng phó như: nhờ người đi đường giúp đỡ, bỏ chạy thật nhanh, gọi số điện thoại dễ nhớ của cảnh sát... Khi phải đối mặt với tình huống thực sự, trẻ sẽ có kỹ năng vì đã được tập dượt từ trước. Đặc biệt khi trẻ ở nhà một mình, nếu có bất kỳ người lạ nào hỏi thăm đều không được mở cửa và ngay lập tức thông báo cho ba mẹ qua điện thoại. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên dạy cho các em khi chưa có người đón thì không nên ra khỏi trường, không theo người lạ khi được cho quà, bánh...
Làm gì trong tình huống xấu ?
Chia sẻ với Thanh Niên, võ sư Lê Hoàng Mai, CLB aikido Cung văn hóa Lao động TP.HCM, hướng dẫn: “Trong tình huống đang ôm con ngoài đường mà bị kẻ xấu bất ngờ tiến đến, tấn công và “giật con” thì nên hạn chế tối đa sự giằng co vì chắc chắn tay sẽ bị tuột và có thể gây chấn thương cho bé. Khi xác định có kẻ lạ mặt tiến tới với tốc độ cao, cha mẹ nên dùng cả hai tay ôm trọn, áp người bé vào lòng, sau đó xoay người theo chiều kim đồng hồ để né và chạy thật nhanh”.
Dưới góc độ tâm lý, theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy thì khi gặp tình huống này phụ huynh cần phải bình tĩnh. “Phụ huynh cần chủ động hình dung ra các tình huống và đưa ra cách xử lý cho bản thân trước. Ngoài ra, phụ huynh cần nhanh chóng mời gọi sự trợ giúp của những người xung quanh. Khi kêu gọi sự giúp đỡ của người khác phụ huynh cần lưu ý những kỹ năng cơ bản như: hô lớn tiếng bản chất của tình huống mình đang gặp phải là: bắt cóc con, dàn cảnh bắt cóc con... Khi gọi người khác thì không nên gọi chung chung mà nên chỉ đích danh người mình cần ví dụ như: anh áo xanh ơi, chị đội nón vàng ơi... để thông tin sẽ được truyền tải nhanh và hiệu quả hơn”, ông Duy nói.
Trong tình huống xấu nhất, thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An khuyên cần in ngay bức hình gần đây nhất của con, trình báo ngay lập tức cho cơ quan công an gần nhất, cài đặt điện thoại ở chế độ ghi âm cuộc gọi đến. Tránh trường hợp vì xót hoặc lo lắng quá cho con mà răm rắp nghe theo sự sắp đặt của người xấu và dẫn đến chuyện “tiền mất tật mang”.
Xuân Phương
|
Bình luận (0)