Siết chặt hoạt động công chứng

01/12/2016 06:43 GMT+7

Lâu nay đã xảy ra một số vụ lừa đảo thông qua tráo giấy chủ quyền nhà đất và giả giấy tờ nhân thân mà nạn nhân là chủ sở hữu, sử dụng hợp pháp tài sản, nhưng hoàn toàn không hay biết về việc tài sản của mình đã bị chuyển nhượng.

Người trót mua nhà của những kẻ lừa đảo, khi phát hiện ra cũng đành “ngậm ngùi” vì kẻ lừa đảo đã ôm tiền cao chạy xa bay.
Không thể phủ nhận có sự chủ quan, thiếu cảnh giác của người dân, nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao những kẻ lừa đảo lại có thể ra tay trót lọt khi phần lớn những thủ tục, giấy tờ liên quan giao dịch bất động sản đều phải thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng. Vì thế, cơ quan chức năng phải xem xét quy trình hoạt động cũng như trách nhiệm của công chứng viên (CCV), tổ chức hành nghề công chứng khi họ vẫn công chứng, chứng thực các giao dịch, giấy tờ có yếu tố gian dối. Đó là vì người dân thường tin tưởng, an tâm khi thực hiện những giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng, có sự chứng kiến của CCV. Nếu CCV thiếu trách nhiệm cũng như thực hiện không đúng chuyên môn nghiệp vụ của mình, tạo cơ hội cho người khác thực hiện hành vi phạm pháp là không thể chấp nhận được.
Hoạt động nghề nghiệp của CCV và tổ chức hành nghề công chứng chịu sự điều chỉnh của luật Công chứng năm 2014 và Thông tư 11/2012/TT-BTP ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và các văn bản có liên quan. Khoản 1 điều 5 Thông tư 11/2012/TT-BTC quy định rõ về trách nhiệm nghề nghiệp cũng như là yêu cầu về mặt đạo đức của CCV. Theo đó: “CCV phải tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp để bảo đảm tốt nhất tính an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch…”. Luật Công chứng 2014 cũng nghiêm cấm CCV, tổ chức hành nghề công chứng “Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác”.
Có thể nói, hoạt động công chứng là hoạt động đặc thù, bởi khi CCV đặt bút ký và đóng dấu đỏ vào bất cứ giấy tờ, văn bản nào thì coi như giấy tờ văn bản đó đã có giá trị pháp lý và không cần chứng minh. Do đó, trước thực tế ngày càng có nhiều kẻ gian vẫn thực hiện trót lọt hành vi phạm pháp qua khâu công chứng là hồi chuông cảnh báo về việc hoạt động nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân hành nghề công chứng.
Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các cơ quan ban ngành là phải siết chặt hoạt động công chứng. Cơ quan lập pháp của Quốc hội cần ban hành những văn bản pháp luật quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn của CCV cũng như điều kiện thành lập và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng; phối hợp hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng với các cơ quan khác như, cơ quan điều tra, cơ quan giám định khoa học… phục vụ cho hoạt động công chứng; tăng cường đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về kỹ năng phân biệt giấy tờ thật giả, về nắm bắt tâm lý khách hàng yêu cầu công chứng…
Đồng thời, việc xử lý đúng, nghiêm minh về trách nhiệm hình sự hoặc buộc bồi thường nếu gây thiệt hại cho khách hàng đối với những tổ chức hành nghề công chứng hay những CCV có hành vi vi phạm cũng là bài học cho các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong hoạt động này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.