Siết giao dịch đáng ngờ bằng cách nào?

05/08/2023 00:00 GMT+7

Các giao dịch chuyển khoản trong nước có giá trị từ 500 triệu đồng/ngày trở lên hay tiền mặt từ 300 triệu đồng/ngày trở lên thì các đơn vị sẽ phải thực hiện báo cáo. Riêng đối với nước ngoài, giá trị là trên 1.000 USD.

Theo các chuyên gia, siết giao dịch đáng ngờ không hẳn chỉ là con số mà phải bằng các nghiệp vụ khác.

Chuyển khoản từ 500 triệu đồng trở lên phải báo cáo

Thông tư 09/2023 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành hướng dẫn thực hiện một số điều của luật Phòng chống rửa tiền quy định giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có giá trị lớn từ 500 triệu đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ có giá trị tương đương phải báo cáo. Trong trường hợp giao dịch chuyển tiền điện tử mà có ít nhất một trong các tổ chức tài chính tham gia giao dịch ở ngoài lãnh thổ VN có giá trị giao dịch từ 1.000 USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương.

Trong khi đó, quy định của Chính phủ hiện nay tại Quyết định 20/2013 thì giá trị giao dịch 300 triệu đồng phải báo cáo. Con số này sẽ được thay đổi vào ngày 1.12.2023 lên 400 triệu đồng theo Quyết định 11/2023. Tại thời điểm đưa ra dự thảo sửa đổi, khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF, trụ sở tại Pháp) thì ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo được khuyến nghị là 15.000 USD (tương đương 375 triệu đồng). Giải thích giữa 2 con số 300 triệu đồng và 500 triệu đồng phải báo cáo, phía NHNN cho biết giao dịch tiền mặt giá trị lớn trên 300 triệu đồng thì báo cáo, còn chuyển khoản điện tử là 500 triệu đồng.

Siết giao dịch đáng ngờ bằng cách nào? - Ảnh 1.

Chuyển khoản trên 500 triệu đồng sẽ báo cáo cơ quan chức năng

NGỌC THẮNG

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng đây chỉ là những giao dịch giá trị lớn mới phải báo cáo, còn đó là giao dịch đáng ngờ hay không còn xét thêm một số yếu tố khác theo quy định tại luật Phòng chống rửa tiền. Các báo cáo chỉ là bước ghi nhận ban đầu, khi có những giao dịch đáng ngờ được phát hiện, lúc này cơ quan chức năng có thể lọc ra được thông tin từ dữ liệu. Đối với giao dịch chuyển tiền điện tử, đã quy định một cách cụ thể về mức giá trị của các giao dịch phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền, tạo điều kiện giúp các tổ chức tài chính dễ dàng thực hiện.

Số liệu về những giao dịch đáng ngờ thu thập trong những năm qua ít được công bố. Giữa 2018, NHNN thông tin đã nhận được 239 báo cáo giao dịch đáng ngờ, chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố cho cơ quan có thẩm quyền 41 vụ việc liên quan đến 110 báo cáo. Nhận 51 văn bản và đã xử lý 46/51 văn bản từ các cơ quan có thẩm quyền đề nghị rà soát, cung cấp thông tin liên quan tới bị can, bị cáo hoặc đối tượng trong các vụ án.

Giải pháp để phòng chống rửa tiền là từ các NH báo cáo không chỉ giao dịch với số tiền lớn mà còn là giao dịch đáng ngờ dù số tiền chỉ 100 - 200 triệu đồng. Chẳng hạn NH phát hiện đó là số tiền từ nguồn thu của các dịch vụ bị cấm… Việc NH thực hiện báo cáo nghiêm túc sẽ là chốt chặn đầu tiên. Từ đó, NHNN mới có thông tin để theo dõi và xử lý các hành vi trên.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Nhưng có một vụ lớn được phát hiện từ việc kiểm soát các giao dịch này. Đó là vụ chuyển 30.000 tỉ đồng ra nước ngoài của Nguyễn Thị Nguyệt (Hà Nội) bị truy tố tội "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" năm 2022. Phía NHNN cho biết từ năm 2017, NHNN đã tiếp nhận các báo cáo giao dịch đáng ngờ từ các tổ chức tín dụng liên quan đến các cá nhân nằm trong đường dây của Nguyễn Thị Nguyệt. Trên cơ sở phân tích thông tin giao dịch đáng ngờ, NHNN đã chuyển giao thông tin cho các đơn vị thuộc cơ quan công an làm rõ.

Vẫn còn nhiều lỗ hổng có thể lách

Thực tế hiện nay, một số giao dịch mua bán trên 300 triệu đồng đã phải thực hiện khai thông tin. Chẳng hạn như khi mua vàng có giá trị trên 300 triệu đồng (khoảng 5 lượng vàng miếng SJC) thì người mua đã phải khai báo thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân hay căn cước công dân. Quy định là vậy, nhưng nếu không muốn công khai giao dịch thì có nhiều cách để lách. Đơn giản nhất là chia nhỏ số tiền. Với số lượng giao dịch chuyển khoản mỗi ngày tăng cao, một số ngân hàng (NH) hiện nay quy định đối với chuyển tiền điện tử có giá trị lớn không quá 499 triệu đồng cũng sẽ vô hiệu hóa quy định giao dịch phải báo cáo nói trên.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, tiền giao dịch phải báo cáo cơ quan chức năng lên mức 500 triệu đồng không phải là một giải pháp hiệu quả để phòng chống rửa tiền. Bởi trên thực tế bất kỳ ai cũng đều có thể chia nhỏ khi chuyển tiền dưới hạn mức này. Nhất là những tội phạm khi giao dịch vì không muốn bị báo cáo, rơi vào tầm ngắm của cơ quan quản lý. Nói cách khác, khi nâng số tiền giao dịch từ 500 triệu đồng trở lên mới báo cáo có thể lại bỏ sót những giao dịch đáng ngờ có giá trị thấp hơn.

Ông Hiếu dẫn ví dụ tại Mỹ, quy định hiện hành là giao dịch từ 10.000 USD trở lên thì NH phải báo cáo với cơ quan quản lý, tương đương với khoảng 240 triệu đồng. Thực tế cũng có việc chia nhỏ số tiền như 5.000 USD hay 8.000 USD. Tuy nhiên, nước này yêu cầu các NH phải có phần mềm theo dõi và báo cáo ngay khi phát hiện 1 cá nhân có thực hiện giao dịch nhiều lần trong ngày, ở nhiều chi nhánh hay phòng giao dịch của cùng NH đó dù với số tiền nhỏ hơn 10.000 USD.

Chính vì vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng quan trọng nhất là bộ phận kiểm soát rủi ro, các NH có thực hiện báo cáo với những giao dịch lớn như quy định hay không? Sau đó, việc xử lý thông tin lên đến cao hơn là NHNN có được thực hiện kịp thời và rút ra được những kết quả gì hay không?

"Giải pháp để phòng chống rửa tiền là từ các NH báo cáo không chỉ giao dịch với số tiền lớn mà còn là giao dịch đáng ngờ dù số tiền chỉ 100 - 200 triệu đồng. Chẳng hạn NH phát hiện đó là số tiền từ nguồn thu của các dịch vụ bị cấm… Việc NH thực hiện báo cáo nghiêm túc sẽ là chốt chặn đầu tiên. Từ đó, NHNN mới có thông tin để theo dõi và xử lý các hành vi trên. Bởi nguy cơ rửa tiền vẫn luôn rất lớn, nhất là khi có nhiều công nghệ mới, kinh tế số phát triển", TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Đồng tình, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng việc nâng giá trị số tiền trong một lần giao dịch từ 300 triệu đồng lên 500 triệu đồng phải báo cáo không phải giải pháp hiệu quả để phòng chống rửa tiền. Quan trọng nhất là việc xử lý các số liệu báo cáo sau đó như thế nào? Bởi hiện nay tất cả NH đều có kết nối nên việc báo cáo này cũng có thể tự động cập nhật theo quy định. Ví dụ một cá nhân chỉ có 1 giao dịch trên 500 triệu đồng trong năm thì sao? Trong khi có cá nhân trong vòng 1 tháng lại giao dịch cả nghìn lần với số tiền chỉ 100 - 200 triệu đồng/lần thì xử lý thế nào? Do đó quan trọng nhất là việc tiếp nhận thông tin và xử lý, tạo ra hệ thống theo dõi để có thể ngăn chặn ngay đối với những giao dịch đáng ngờ chứ không phải là với số tiền bao nhiêu. 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị. Giao dịch qua internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng 98,3 và 84,3%; qua QR Code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021). Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia VN (Napas) đã xử lý hàng chục triệu giao dịch mỗi ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.