'Siêu' cảng Cần Giờ cần chuyển 93 ha đất rừng phòng hộ

08/09/2023 15:29 GMT+7

Trong 570 ha làm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM cần sử dụng 93 ha rừng phòng hộ và đất lâm nghiệp, còn lại là đất bằng và đất sông, rạch.

Ngày 8.9, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ KH-ĐT về dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (gọi tắt là cảng Cần Giờ) để phục vụ công tác thẩm định.

Về quy hoạch xây dựng đô thị, vị trí đề xuất cảng Cần Giờ được xác định một phần thuộc ranh khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và một phần thuộc diện tích mặt nước.

Hiện dự án chưa được xác định trong các đồ án quy hoạch được duyệt nên sẽ được UBND TP.HCM trình cấp thẩm quyền cập nhật, điều chỉnh bổ sung vào Quy hoạch vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, UBND TP.HCM đã trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) hồi tháng 5. Theo đó, cảng Cần Giờ thuộc danh mục công trình dự án thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 với diện tích sử dụng đất rừng phòng hộ hơn 93 ha.

TP.HCM cần 93 ha đất rừng phòng hộ làm cảng Cần Giờ - Ảnh 1.

Rừng ngập mặn Cần Giờ, TP.HCM

SỸ ĐÔNG

Về pháp lý sử dụng đất, khu vực dự kiến đầu tư có tổng diện tích khoảng 570 ha, bao gồm khoảnh 1, khoảnh 2 thuộc tiểu khu 19 (gò Con Chó) có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 93 ha. Toàn bộ khu vực này đã được Sở TN-MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ cần Giờ.

Diện tích còn lại gồm 114 ha đất bằng chưa sử dụng và khoảng 362 ha đất sông, rạch; toàn bộ khu vực thuộc đất do nhà nước trực tiếp quản lý. Hiện trạng tại tiểu khu 19 không có người dân sản xuất, nhưng khu vực sông rạch bao quanh có người dân nuôi trồng thủy hải sản.

Dự án thuộc diện phải đánh giá tác động môi trường

Về hiệu quả, UBND TP.HCM nhận thấy việc đầu tư dự án có các hiệu quả kinh tế xã hội và tác động lan tỏa tới phát triển chung của thành phố.

Cụ thể, bên cạnh thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại, dự án còn tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng, đồng thời tạo hàng chục nghìn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan.

Khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách khoảng 34.000 - 40.000 tỉ đồng/năm (giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh) thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa.

TP.HCM cần 93 ha đất rừng phòng hộ làm cảng Cần Giờ - Ảnh 2.

Dự án thuộc diện phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm quyền phê duyệt là Bộ TN-MT

SỸ ĐÔNG

Liên quan đến tác động môi trường, dự án thuộc vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Theo hồ sơ gửi kèm, nhà đầu tư mới chỉ có báo cáo về đánh giá tác động môi trường tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chưa có đánh giá tác động môi trường sơ bộ.

Dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ TN-MT nên UBND TP.HCM đề nghị Bộ KH-ĐT trao đổi thêm với bộ chuyên ngành.

Dự án có tổng mức đầu tư 113.531 tỉ đồng, trong 3 năm (giai đoạn 1 từ năm 2024 - 2027) kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư đề xuất tiến độ giải ngân vốn đầu tư là 18.387 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.