Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC, cho biết doanh nghiệp đã giải trình bổ sung hồ sơ dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Trong năm 2025, VIMC sẽ phối hợp với đối tác để hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư cảng quốc tế Cần Giờ. Ngoài ra sẽ tập trung thực hiện các dự án đầu tư phát triển, như cảng Lạch Huyện, cảng Liên Chiểu...
Theo ông Tĩnh, cùng với cảng Cái Mép - Thị Vải đang hoạt động, cảng Cần Giờ sẽ tăng khả năng cạnh tranh với các cảng biển trong khu vực.
"Sản lượng hàng hóa trung chuyển qua cảng biển Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh, có thể vượt Singapore. Đây là sứ mệnh của tổng công ty để nâng tầm cạnh tranh quốc gia", ông Tĩnh nói.
Cảng Cần Giờ không chỉ rút ngắn quá trình vận chuyển và giảm mạnh chi phí logistics của hàng hóa nội địa, mà còn mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Lãnh đạo VIMC cũng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và đề nghị TP.HCM sớm hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.
Doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đầu tư tàu mới hoặc mua tàu cũ phù hợp với chiến lược phát triển đội tàu, ưu tiên các loại tàu thế hệ mới tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường, với sứ mệnh phát triển đội tàu biển quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đánh giá, năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn với ngành vận tải biển do ảnh hưởng từ cuộc xung đột địa chính trị tại các khu vực cũng như cuộc khủng hoảng tại biển Đỏ. Trong khi đó, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực cảng biển ngày càng gay gắt trước sự phát triển và ra đời của nhiều cảng tư nhân mới với cơ sở hạ tầng vượt trội, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, cơ chế linh hoạt.
Tuy nhiên, VIMC có kết quả sản xuất kinh doanh cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Sản lượng vận tải biển do đội tàu VIMC đảm nhận đạt xấp xỉ 20 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch 2024. Trong lĩnh vực cảng biển, sản lượng hàng hóa thông qua đây ước đạt 145 triệu tấn, bằng 126% cùng kỳ và bằng 117% kế hoạch 2024.
Kết quả kinh doanh từ 2 lĩnh vực trụ cột đã đưa doanh thu toàn tổng công ty đạt 24.813 tỉ đồng, lợi nhuận ước đạt 4.940 tỉ đồng (trong đó, lợi nhuận hợp nhất đạt 3.510 tỉ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ 2023, vượt 28% kế hoạch).
Doanh thu và lợi nhuận tăng cao nhờ VIMC thực hiện tái cấu trúc đội tàu, đẩy mạnh các hoạt động thuê tàu nước ngoài dưới nhiều hình thức. Năm 2024, VIMC Lines mở rộng hoạt động và phát triển tuyến dịch vụ kết nối Malaysia, Singapore và Indonesia...
Bình luận (0)