Siêu điệp viên bí ẩn của Ấn Độ

25/09/2016 08:00 GMT+7

Đương kim cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ là một nhân vật đầy bí ẩn và được mệnh danh là “James Bond Nam Á”.

Theo những câu chuyện “truyền kỳ”, Ajit Doval từng hoạt động bí mật suốt 7 năm tại Pakistan và đã thu thập nhiều dữ liệu quý giá về chương trình hạt nhân của Islamabad. Ông lợi dụng chính các tay súng chống chính phủ Ấn Độ để lấy thông tin tại vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir và từng giả làm người lái xe kéo để thâm nhập nhóm ly khai cố thủ trong ngôi đền thờ linh thiêng nhất của đạo Sikh tại Ấn Độ.
Giờ đây, trong vai trò cố vấn an ninh quốc gia, Doval được xem là nhân vật “dưới một người trên vạn người” với quyền lực chỉ đứng sau Thủ tướng Narendra Modi.
Ông Doval được bổ nhiệm vào tháng 5.2014, chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Modi nhậm chức. Từ đó, dư luận bắt đầu quen với hình ảnh người đàn ông thấp đậm, nét mặt luôn đăm chiêu tháp tùng ông Modi trong những chuyến công du quan trọng. Truyền thông Ấn Độ dẫn nhiều nguồn tin chính phủ nói vị quan chức này thậm chí có ảnh hưởng hơn cả các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao. Và rồi, những câu chuyện hấp dẫn về siêu điệp viên của Ấn Độ bắt đầu xuất hiện trên phương tiện truyền thông dù ông Doval thường tránh né truyền thông và rất ít khi xuất hiện trước công chúng.
James Bond Nam Á
Đến nay, không có website chính thống nào của chính phủ cung cấp thông tin về ông Doval. Theo bản tiểu sử tóm lược mà Doval đưa ra trong một phát biểu ở Mumbai hồi tháng 8.2015, ông sinh năm 1945 và lấy bằng thạc sĩ kinh tế vào năm 1967 trước khi gia nhập lực lượng cảnh sát. Năm 1972, Doval chuyển đến Cục Tình báo cho đến khi về hưu năm 2005. Doval được cho là sử dụng thành thạo tiếng Urdu, ngôn ngữ chính ở Pakistan. Tháng 11.2014, vị cố vấn này tiết lộ từng phẫu thuật thẩm mỹ để xóa dấu tích xỏ lỗ tai nhằm khỏi bị lộ là người theo đạo Hindu mỗi lần thâm nhập bên kia chiến tuyến.
Kể từ khi Doval chính thức “bước ra ánh sáng” trên cương vị cố vấn an ninh quốc gia, báo chí Ấn Độ và các diễn đàn trên mạng bắt đầu lật lại những chiến tích được giữ kín trong nhiều năm. Đài NDTV dẫn lời nhiều cựu quan chức của Cục Tình báo tiết lộ ông Doval từng thâm nhập thành công Mặt trận Quốc gia Mizo (MNF), tổ chức vũ trang ly khai khét tiếng vào thập niên 1980. Nhờ tài ăn nói và khả năng nắm bắt tâm lý bậc thầy, Doval thu phục được 6/7 chỉ huy thân tín nhất của thủ lĩnh MNF là Laldenga, buộc nhân vật này phải ngồi vào bàn đàm phán và chấm dứt phong trào đòi ly khai ở bang Mizoram.
Chiến tích huy hoàng nhất của Doval là lần ông tham gia chiến dịch “Black Thunder” năm 1988 nhằm trấn áp các tay súng đạo Sikh cố thủ trong đền Vàng ở TP. Amritsar, thuộc bang Punjab. Đền Vàng là địa điểm thiêng liêng nhất của các tín đồ đạo Sikh, nhưng nơi này thường xuyên bị biến tướng thành đại bản doanh của lực lượng ly khai muốn thành lập một quốc gia riêng của người theo đạo này với tên gọi Khalistan. Năm 1984, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi ra lệnh tiến hành chiến dịch Blue Star tấn công vào đền Vàng, dẫn đến hậu quả vô cùng thảm khốc. Số liệu chính thức của quân đội cho thấy 500 tay súng, 830 binh sĩ và 492 dân thường đã thiệt mạng. Ngay trong cùng năm, bà Gandhi bị 2 vệ sĩ theo đạo Sikh ám sát để trả thù, kéo theo một đợt bạo động đẫm máu và càng khiến quan hệ giữa chính phủ và cộng đồng người Sikh thêm thù địch.
Rút kinh nghiệm xương máu, chính quyền Thủ tướng Rajiv Gandhi tiến hành chiến dịch Black Thunder một cách thận trọng hơn. Cục Tình báo nhận lệnh tham gia và đó cũng là cơ hội để Ajit Doval tỏa sáng. Tờ Economic Times dẫn lời những cựu binh từng tham gia chiến dịch kể rằng Doval đã cải trang thành một người lái xe kéo để xâm nhập đền Vàng rồi thuyết phục các tay súng tin ông là điệp viên do Pakistan cử sang hỗ trợ họ. Siêu điệp viên được cho ở lại trong đền và ông dễ dàng thông báo tình hình ra ngoài. Nhờ thông tin của Doval, lực lượng an ninh biết có 200 tay súng cố thủ thay vì 40 như ước tính ban đầu. Cũng chính ông thuyết phục các chỉ huy chiến dịch từ bỏ kế hoạch đột kích, thay vào đó tiến hành cắt toàn bộ nguồn cung điện, nước và bao vây thật chặt giữa thời tiết nóng như thiêu đốt.
Ngày 18.5.1988, lực lượng ly khai trong đền đầu hàng và ngoài 41 tay súng thiệt mạng trong lúc cố chống trả, không có binh sĩ hay dân thường nào gặp thương vong. “Người Ấn Độ thường tuân thủ luật lệ đến mức cứng nhắc. Doval thì không như thế. Ông ấy thường có những suy nghĩ khác biệt và đó là lý do ông ấy thành công”, ông Karan Kharb, cựu sĩ quan biệt kích vệ binh quốc gia trực tiếp tham gia chiến dịch Black Thunder, nhận định với Bloomberg.
Đến năm 1999, Doval tiếp tục được cho là đóng vai trò hết sức quan trọng trong chiến dịch giải cứu máy bay của Hãng hàng không Indian Airlines bị không tặc. Khi đó, chuyến bay IC814 chở 176 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn bị các tay súng thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan Harkat-ul-Mujahideen khống chế và ép hạ cánh xuống TP. Kandahar của Afghanistan, khi đó còn nằm dưới quyền chế độ Taliban. Với vai trò Giám đốc Cục Tình báo, Doval trực tiếp tham gia giải cứu. Một mặt, ông ra lệnh đàm phán, mặt khác ông gây áp lực lên Taliban không được hỗ trợ và phải tìm cách trấn áp không tặc. Lo sợ trước lời đe dọa rằng Ấn Độ sẽ xua quân vào Afghanistan, Taliban triển khai bao vây máy bay và thúc ép nhóm không tặc nhượng bộ trong đàm phán. Cuối cùng, ngoài 1 hành khách bị sát hại, toàn bộ những con tin khác đều được thả, đổi lấy việc Ấn Độ phóng thích 3 phần tử cực đoan.
Cánh tay phải của Thủ tướng
Sau khi rời Cục Tình báo năm 2005, Doval thành lập Quỹ quốc tế Vivekananda, được cho là góp công lớn thuyết phục các nhà ngoại giao nước ngoài và giới quân sự ủng hộ đảng BJP của Thủ tướng Modi, và gắn bó mật thiết với nhà lãnh đạo này. Nhiều nguồn thạo tin thân cận tại New Delhi tiết lộ với Economic Times rằng cố vấn Doval đang giám sát những vấn đề ngoại giao và quốc phòng nhạy cảm nhất của Ấn Độ. Ông thường xuyên gặp quan chức ngoại giao, giới tướng lĩnh, các chiến lược gia cũng như đại diện các tập đoàn vũ khí trong nước lẫn quốc tế.
Không lâu sau khi nhậm chức, Thủ tướng Modi đã cử ông Doval làm đặc phái viên đến Afghanistan, quốc gia mà Ấn Độ đang ra sức tranh thủ để tạo cơ sở ứng phó liên minh Pakistan - Trung Quốc. Vị cố vấn này cũng là đại diện đặc biệt phụ trách đàm phán với Trung Quốc và Pakistan. Cuối năm ngoái, ông đã đến thủ đô Bangkok của Thái Lan để dự cuộc họp bí mật với đại diện Pakistan nhằm tái khởi động hòa đàm giữa 2 láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân.
NDTV dẫn lời giới phân tích đánh giá Thủ tướng Modi và cố vấn Doval đều là những người ủng hộ nhiệt thành cho một nhà nước mạnh mẽ cùng các biện pháp chống khủng bố quyết liệt. Cả hai có xu hướng vừa tập trung vào an ninh nội địa, vừa cải thiện năng lực hoạt động bí mật của Ấn Độ trong khu vực đồng thời vận dụng học thuyết quốc phòng và đối ngoại cứng rắn để tăng cường ảnh hưởng. Khi vừa nhậm chức hồi năm 2014, cố vấn Doval đã viết một số bài xã luận cảnh báo “ưu thế của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương đang xói mòn”, đồng thời nhận định quá trình phát triển của Trung Quốc “không phải là sự trỗi dậy hòa bình được đảm bảo”.
Dù không còn hoạt động thực địa từ lâu nhưng cố vấn Doval cũng thể hiện “bản năng” của một siêu điệp viên vẫn chưa bị thui chột. Theo trang tin News World India, hồi đầu tháng 6.2015, ông đã vắng mặt một cách khó hiểu trong chuyến công du cực kỳ quan trọng của Thủ tướng Modi thăm nước láng giềng Bangladesh. Nhiều nguồn tin tiết lộ lý do là ông bận hoạch định chiến dịch truy lùng các thành viên của nhóm vũ trang ly khai Naga. Những tay súng của nhóm này là thủ phạm vụ tấn công nghiêm trọng nhất nhằm vào lực lượng an ninh Ấn Độ khi hạ sát 18 binh sĩ ở bang Manipur ngày 4.6.2015. Theo kế hoạch do ông Doval vạch ra, biệt kích Ấn Độ đã tiến hành đột kích bất ngờ vào nhiều cứ điểm của Naga ở Manipur và vùng rừng núi hiểm trở thuộc tây bắc Myanmar. Khoảng 100 tay súng đã bị tiêu diệt và theo News World India, phải đến sát giờ chiến dịch bắt đầu, phía Myanmar mới biết về cuộc đột kích.
Trước đó, vào tháng 7.2014, ông Doval đích thân tham gia sứ mệnh bí mật giải cứu 46 y tá Ấn Độ bị kẹt ở Tikrit và Mosul, 2 thành phố Iraq khi đó nằm dưới sự kiểm soát của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Theo tờ The Hindu, phía Ấn Độ không có thông tin tình báo xác thực về các tay súng đang trực tiếp cầm giữ nhóm con tin. Nhận chỉ thị của Thủ tướng Modi, cố vấn Doval lập tức lên đường sang Iraq tìm hiểu tình hình. Bằng việc chủ động liên lạc với một loạt đầu mối cùng cách thương thuyết “cáo già”, ông cuối cùng đã đưa nhóm người Ấn Độ về nước an toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.