Siêu hàng không mẫu hạm 13 tỉ USD

28/11/2015 09:15 GMT+7

Hải quân Mỹ sắp bổ sung vào lực lượng này siêu hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford trị giá khoảng 13 tỉ USD với những tính năng vượt trội.

Hải quân Mỹ sắp bổ sung vào lực lượng này siêu hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford trị giá khoảng 13 tỉ USD với những tính năng vượt trội.

Tàu sân bay USS Gerald Ford tăng cường mạnh mẽ năng lực cho hải quân Mỹ - Ảnh: Hải quân MỹTàu sân bay USS Gerald Ford tăng cường mạnh mẽ năng lực cho hải quân Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ
USS Gerald Ford là chiếc đầu tiên trong số các tàu sân bay lớp Ford, dự kiến sẽ gia nhập hải quân vào tháng 2.2016, theo CNN. Một khi được triển khai, đây sẽ là tàu sân bay lớn nhất, hiện đại nhất và cũng đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ.
Những cỗ máy “nuốt tiền” của Mỹ
Với chi phí khoảng 13 tỉ USD, USS Gerald Ford là tàu sân bay đắt nhất lịch sử Mỹ. Tiếp theo là USS George H.W.Bush, tàu cuối cùng trong lớp Nimitz, hoàn thành năm 2009 với chi phí 6,2 tỉ USD, theo tờ The Seattle Times. Các tàu sân bay lớp Nimitz trước đó như tàu USS Dwight D.Eisenhower, USS Carl Vinson, USS Abraham Lincoln... có giá thành mỗi tàu vào khoảng 4,5 tỉ USD.
Được đặt theo tên tổng thống thứ 38 của Mỹ, tính đến thời điểm chính thức hoạt động trên biển vào năm sau, tàu USS Gerald Ford sẽ “ngốn” tổng cộng khoảng 13 tỉ USD, tăng ít nhất 2,4 tỉ USD so với dự toán ban đầu được thông qua hồi năm 2008, theo báo mạng Business Insider. Điều này đã gây nhiều chỉ trích từ các chính trị gia đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc và nhiều chuyên gia khẳng định con tàu thuộc dạng “đắt xắt ra miếng” vì sở hữu nhiều công nghệ vượt trội. Hiện nay, hải quân nước này đang biên chế 10 tàu sân bay và ngoài USS Gerald Ford, còn có kế hoạch mua thêm 3 tàu khác thuộc lớp Ford với tổng chi phí 43 tỉ USD. Mỗi chiếc lớp này được thiết kế để hoạt động trong 50 năm và Newport News Shipbuilding, hãng đóng tàu USS Gerald Ford, tuyên bố tàu sân bay lớp Ford sẽ là biểu tượng cho sức mạnh hải quân Mỹ trong kỷ nguyên mới.
Đầy uy lực
USS Gerald Ford sẽ mang đến nhiều cải tiến so với tàu lớp Nimitz, lực lượng tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ hiện nay. Theo Business Insider, nhờ trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân A1B, tàu lớp Ford có khả năng phát điện lớn gấp 3 lần các thế hệ cũ.
Điều này giúp tàu Ford sử dụng hiệu quả Hệ thống phóng phi cơ điện từ (EMALS), tăng 25% số lần xuất kích của chiến đấu cơ mỗi ngày, tức khoảng 220 chuyến/ngày, so với hệ thống phóng hơi nước phổ biến hiện nay. Ngoài ra, nguồn điện lớn đưa tàu lớp Ford trở thành ứng viên hoàn hảo để triển khai những loại vũ khí năng lượng và laser như súng điện từ chuyên chống tàu và máy bay cũng như hệ thống đánh chặn tên lửa. Hiện USS Gerald Ford được trang bị tên lửa Sea Sparrow, Rolling Airframe và pháo tự động có radar dẫn đường Vulcan Gatling.
Khi đi vào hoạt động trong năm tới, USS Gerald Ford cũng sẽ ghi tên vào danh sách những chiến hạm lớn nhất từ trước đến nay với chiều dài 335 m, rộng 41 m, độ choán nước 100.000 tấn và có tới 2 đường băng. Sở hữu kích thước khổng lồ nên siêu mẫu hạm này được ví như một thị trấn nhỏ chứa được khoảng 4.400 người và chở 75 máy bay. Các loại máy bay chủ đạo trên tàu USS Gerald Ford dự kiến là chiến đấu cơ thế hệ mới F-35 và một số loại máy bay không người lái.
Tờ Pittsburgh Tribune-Review dẫn các nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho hay nhiều khả năng USS Gerald Ford có thể bắt đầu hoạt động tại vùng Vịnh, Ấn Độ Dương hoặc tây Thái Bình Dương. Ngoài ra, chiếc thứ hai thuộc lớp Ford là USS John F.Kennedy dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2019.
Cuộc đua EMALS
Như đã đề cập, một trong những cải tiến vượt trội nhất của tàu USS Gerald Ford so với tàu sân bay hiện nay là Hệ thống phóng phi cơ điện từ (EMALS). Do kích thước quá khổ và cần sức người vận hành dẫn đến hạn chế số lần cất cánh nên thiết bị phóng máy bay hơi nước đang ngày càng bộc lộ nhiều giới hạn và bị cho là không còn phù hợp với nhu cầu, chiến tranh hiện đại. Từ đầu thế kỷ 21, hải quân các nước bắt đầu thử nghiệm hệ thống phóng máy bay mới và Mỹ là quốc gia đầu tiên được xác nhận đã ứng dụng công nghệ EMALS cho tàu sân bay.
Bên cạnh giúp phóng máy bay nhanh hơn, nhiều hơn, EMALS được đánh giá là hỗ trợ kiểm soát dễ dàng hơn trong quá trình phóng bằng cách cho phép máy bay tăng tốc dần đều và liên tục. Trong trường hợp tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, EMALS hiệu quả hơn về mặt năng lượng, đồng thời loại bỏ nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng lò hơi. Trên các tàu chạy bằng gas-tuabin, hệ thống phóng đời mới giải phóng cho con tàu khỏi phải đặt thùng hơi nước dành cho máy phóng.
Theo các chuyên gia, hiện Trung Quốc cũng ráo riết tìm cách nắm được công nghệ EMALS để trang bị cho tàu sân bay thứ hai đang tự đóng. Hồi tháng 5, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin nước này đang thử nghiệm hệ thống phóng giúp đẩy nhanh tốc độ xuất kích của máy bay so với công nghệ hiện dùng trên tàu Liêu Ninh. Khi đó, một chuyên gia quân sự nhận định với CCTV rằng EMALS cho phép máy bay cất cánh mà không phải lo ngại về điều kiện thời tiết và có hiệu quả hơn về mặt chiến lược.
Theo tờ Hong Kong Commercial Daily, giới chức quân đội Trung Quốc cho hay tàu sân bay mới, gọi là Type 001A, sẽ được trang bị những công nghệ hiện đại mà tàu Mỹ đang sở hữu, bao gồm cả EMALS. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngờ vì đến nay Trung Quốc được cho là dựa nhiều vào công nghệ tàu sân bay cũ kỹ từ tàu Liêu Ninh, vốn có hệ thống phóng “cổ” đến mức phải dùng mũi tàu hếch lên thay vì mũi bằng như hàng không mẫu hạm phương Tây.
Cuộc thử nghiệm lịch sử
Ảnh: Naval History & Heritage Command

Cách đây 100 năm, hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc thử nghiệm mở ra kỷ nguyên hàng không mẫu hạm. Ngày 5.11.1915, lần đầu tiên trong lịch sử, một phi cơ đã được phóng thành công từ tàu chiến nổi (ảnh). Với sự hỗ trợ của một hệ thống phóng sơ khai bằng dây cáp và khí nén, phi công Henry C.Mustin đã điều khiển chiếc thủy phi cơ Curtiss Model AB-2 rời khỏi boong của thiết giáp hạm USS North Carolina ngoài khơi bờ biển Florida, theo Business Insider.
Trước đó, hầu như ai cũng cho rằng phóng máy bay từ tàu chiến chỉ là chuyện viễn tưởng. Nghi ngờ càng tăng cao khi trước cuộc thử nghiệm của Mustin, trung úy Theodore Gordon Ellyson suýt thiệt mạng khi thử hệ thống phóng khí nén vào ngày 31.7.1912. Máy bay của Ellyson đã vọt thẳng lên trời, bị gió tạt ngang và cắm đầu xuống nước.
Tuy nhiên, thành công vào năm 1915 đã mở ra kỷ nguyên mới cho hải quân thế giới và đến năm 1922, Mỹ đã hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên trong lịch sử mang tên USS Langley chở được 30 máy bay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.