Từ khi Su Hào còn trong bụng, ba mẹ đã thống nhất rằng cần giúp con hình thành các thói quen tốt từ thật sớm. Gia đình là ngôi trường đầu tiên, ba mẹ là những người thầy đầu đời của con. Cách giáo dục có lẽ hữu hiệu nhất là "thân giáo", tức chính người dạy sẽ thực hiện những điều muốn truyền đạt, vun đắp cho người học.
Ba của Su Hào là nhân viên kỹ thuật điện, chuyên thắp sáng các tòa nhà, khu công nghiệp, nhà xưởng,... Ba yêu nghề nên hiểu điện và quý điện lắm. Tình cảm ấy được ba thể hiện thành hành động: hạn chế dùng máy lạnh vì sẽ tiêu thụ lượng điện bằng 15, thậm chí 20 chiếc quạt máy, chỉ dùng đèn LED, luôn chọn mua những sản phẩm điện có dán nhãn năng lượng,... Có lẽ lòng yêu quý điện của ba đã phần nào truyền sang Su Hào.
Từ lúc con bi bô tập nói, lẫm chẫm tập đi, mỗi khi bồng con ra khỏi nhà đi chơi, ba thường nhẹ nhàng cầm bàn tay bé xíu của con nhấn vào phím 0 trên chiếc quạt máy, rồi tiếp đến là công tắc đèn trần. Vừa làm, ba vừa nói: "Mình tắt nhé, để bạn quạt nghỉ ngơi!", "Mình tắt nhé, cho bạn đèn ngủ một tí!".
Những lần đầu chứng kiến "phép màu" chiếc quạt đang quay vù vù chợt chậm lại rồi dừng hẳn, bóng đèn đang sáng trưng bỗng tắt phụt, con kinh ngạc há miệng, tròn xoe mắt. Dần dần, con xí luôn nhiệm vụ vui vẻ tắt máy quạt, tắt điện.
Mỗi ngày, theo những cách thật trẻ thơ, con học thêm một điều mới về cách dùng điện tiết kiệm, hiệu quả: bạn máy giặt cần "ăn no" quần áo dơ thì mới làm việc được, nhớ đóng cửa tủ lạnh thật nhanh và kín vì cánh cửa ấy chính là... cái miệng của tủ lạnh, nếu cửa bị mở lâu, bạn tủ lạnh sẽ mỏi miệng, nếu cửa bị hở, bạn ấy sẽ đau bụng vì... gió lùa.
Su Hào cũng bắt đầu có những sở thích rất "xanh", trong đó có thú vui đếm sao. Nhiều buổi tối chúng mình tắt hết đèn trong phòng, không mang theo bất kỳ thiết bị điện tử nào, lên tầng thượng cùng ngắm sao, hóng gió. Cả nhà tạm ngắt kết nối với thế giới ảo để kết nối thật chặt với nhau và kết nối với thiên nhiên. Những buổi tối "sống xanh" có tiếng con ngọng nghịu: "Một sao, hai sao, ba sao,..., thật nhiều sao!" đã trở thành kỷ niệm gia đình biết bao ấm áp.
Ở tuổi lên 3, Su Hào mê tít việc hóa trang thành siêu nhân tài ba, dũng cảm, có nhiệm vụ bảo vệ các bạn máy giặt, quạt máy, tủ lạnh, bóng đèn,... Trong những tháng ngày phía trước, có thể sẽ đến lúc con không còn thích quàng chiếc áo choàng xanh đỏ nữa, nhưng ba mẹ ước mong con sẽ luôn sống với trái tim của một siêu anh hùng đích thực: quả cảm, cống hiến và quan tâm đến những vấn đề của cộng đồng.
Ba mẹ cũng mong con mãi nhớ rằng, ngoài ngôi nhà riêng thân thương, mỗi người đều còn có một ngôi nhà chung rất quý giá mang tên Việt Nam và một ngôi nhà chung siêu lớn gọi là Trái đất.
Đã là "nhà" thì luôn chiếm rất nhiều chỗ trong trái tim ta. Hai ngôi nhà chung ấy đang gặp rất nhiều khó khăn về năng lượng. Mỗi một hành động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dù ở bất kỳ đâu, đều có ý nghĩa nhất định góp phần tháo gỡ vấn đề lớn ấy.
Ngày hôm nay, mỗi lần ngón tay nhỏ xinh của "siêu nhân điện: Su Hào tắt đèn, cũng tức là con đang góp phần bật lên một tương lai ổn định hơn, tươi sáng hơn cho thế hệ của mình và cả các thế hệ mai sau.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)