Siêu tàu sân bay Mỹ đến Na Uy tập trận, Ukraine không thể vào NATO ngay

25/05/2023 08:21 GMT+7

Tàu sân bay lớn nhất thế giới USS Gerald R. Ford đã lần đầu tiên đến Na Uy để tham gia tập trận.

Siêu tàu sân bay Mỹ đến Na Uy tập trận, Ukraine không thể vào NATO ngay - Ảnh 1.

Tàu sân bay lớn nhất thế giới USS Gerald R. Ford của Mỹ trên đường vào vịnh Oslo, Na Uy ngày 24.5

REUTERS

Reuters đưa tin tàu sân bay lớn nhất thế giới USS Gerald R. Ford của Mỹ đã lần đầu tiên đi vào vùng biển gần thủ đô Oslo của Na Uy ngày 24.5 nhằm biểu dương lực lượng NATO vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa khối này và Nga.

Quân đội Na Uy cho biết tàu USS Gerald R. Ford và thủy thủ đoàn sẽ tiến hành các cuộc tập trận với lực lượng vũ trang Na Uy dọc theo bờ biển của nước này trong những ngày tới.

Siêu tàu sân bay Mỹ đến Na Uy tập trận, Ukraine không thể vào NATO ngay

"Chuyến thăm này là một tín hiệu quan trọng về mối quan hệ song phương chặt chẽ giữa Mỹ và Na Uy, đồng thời thể hiện sự tin cậy của khả năng phòng thủ và răn đe tập thể", phát ngôn viên Jonny Karlsen của Bộ chỉ huy liên hợp Na Uy cho biết.

Tại vịnh Oslo, hàng chục người dân Na Uy ở mọi lứa tuổi đã tập trung trên bờ để quan sát, chụp ảnh và quay video khi tàu USS Gerald R. Ford đi ngang qua.

Truyền thông Na Uy đưa tin tàu sân bay Mỹ sẽ đi về phía bắc của Vòng Bắc Cực. Tuy nhiên, ông Karlsen từ chối bình luận về các thông tin này.

Đại sứ quán Nga tại Oslo đã lên án chuyến thăm Na Uy của tàu USS Gerald R. Ford.

"Ở Bắc Cực không có vấn đề nào đòi hỏi một giải pháp quân sự, cũng như không có chủ đề nào cần sự can thiệp từ bên ngoài", Đại sứ quán Nga viết trong một bài đăng trên Facebook.

"Oslo đã thừa nhận rằng Nga không gây ra mối đe dọa quân sự trực tiếp nào đối với Na Uy. Vì vậy, những cuộc biểu dương sức mạnh này là phi lý và có thể gây hại", theo bài đăng.

Na Uy, một thành viên NATO, có chung biên giới với Nga ở khu vực gần Bắc Cực. Năm ngoái, Na Uy đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu sau khi nguồn cung khí đốt của Nga sụt giảm.

Quân đội Na Uy và các đồng minh NATO đã tuần tra xung quanh các giàn khoan dầu khí ngoài khơi kể từ mùa thu, sau các vụ nổ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream ở biển Baltic.

Pháp nói sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Ukraine

Cùng ngày 24.5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Ukraine sẽ không thể gia nhập liên minh chừng nào cuộc xung đột với Nga vẫn chưa kết thúc.

"Việc trở thành một thành viên NATO giữa xung đột là không khả thi", ông Stoltenberg phát biểu tại một sự kiện do Quỹ Marshall của Mỹ tổ chức tại Brussels (Bỉ). "Vấn đề là điều gì sẽ xảy ra khi xung đột kết thúc", ông Stoltenberg nói thêm.

Vào tháng 9.2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố nỗ lực đẩy nhanh quá trình trở thành thành viên NATO.

Các đồng minh NATO đã không đồng ý với yêu cầu của ông Zelensky. Phương Tây vẫn rất cảnh giác với những động thái mà họ lo ngại rằng có thể đưa NATO tiến gần hơn đến một cuộc xung đột với Nga.

Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Lithuania) vào tháng 7.2022, cả Ukraine và một số đồng minh thân cận nhất của Kyiv ở Đông Âu đã thúc đẩy NATO thực hiện các bước cụ thể để đưa Ukraine đến gần hơn với tư cách thành viên của liên minh.

Quan chức Ukraine giảm kỳ vọng vào cuộc phản công mùa xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.