Reuters cho biết tàu vũ trụ thế hệ mới Starship kết hợp với tên lửa đẩy uy lực Super Heavy đã được phóng đi từ cơ sở thí nghiệm Starbase của SpaceX ở bang Texas (Mỹ) vào sáng 20.4 (giờ địa phương), trong chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ dự kiến kéo dài 90 phút.
Song chưa đầy 4 phút sau khi được phóng, tàu vũ trụ Starship ở tầng trên không thể tách rời với tên lửa đẩy Super Heavy ở tầng dưới như thiết kế, và phương tiện đã lật úp trước khi phát nổ.
Tên lửa Starship khổng lồ phóng lên nổ tung, vì sao SpaceX vẫn lạc quan?
Dù vậy, trong video phát trực tiếp về vụ phóng, các nhân sự của SpaceX đã ca ngợi việc đưa tổ hợp Starship - Super Heavy lần đầu rời khỏi mặt đất và tuyên bố vụ phóng là một chuyến bay thử nghiệm thành công.
Việc đưa Starship và tên lửa đẩy của nó rời khỏi mặt đất đánh dấu cột mốc quan trọng trong tham vọng của SpaceX về việc đưa con người trở lại mặt trăng và cuối cùng là lên sao Hỏa. Việc này cũng đóng vai trò then chốt trong chương trình khám phá mặt trăng mang tên Artemis của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Trước đó, SpaceX đã hoãn lại vụ phóng được lên kế hoạch thực hiện vào ngày 17.4 ngay giờ chót, do vấn đề áp suất ở phần tên lửa đẩy Super Heavy.
Theo kế hoạch, Starship sẽ không bay vào quỹ đạo trong nhiệm vụ này. Thay vào đó, nó sẽ đạt độ cao khoảng 234 km, bay vòng quanh hầu hết trái đất và lao xuống Thái Bình Dương, cách bờ biển Oahu thuộc bang Hawaii (Mỹ) khoảng 225 km. Trong khi đó, tên lửa đẩy Super Heavy dự kiến rơi xuống vịnh Mexico, cách bờ biển Boca Chica thuộc bang Texas (Mỹ) khoảng 32 km.
Đây là chuyến bay thử nghiệm đầu tiên mà Starship và Super Heavy được kết hợp với nhau. Mục tiêu của SpaceX là sử dụng Starship như một hệ thống phóng có thể tái sử dụng cho các sứ mệnh lên mặt trăng và sao Hỏa. NASA đã chọn Starship làm tàu đổ bộ lên mặt trăng mà các phi hành gia sẽ sử dụng trong sứ mệnh Artemis 3 dự kiến diễn ra vào năm 2025.
Tên lửa Starship của SpaceX có đạt mục tiêu cách mạng hóa du hành vũ trụ?
Tên lửa đẩy Super Heavy có 33 động cơ và cao 69 m. Khi được lắp ráp hoàn chỉnh trên bệ phóng, tổ hợp Starship cao đến 120 m, cao hơn Saturn V (110 m) - tên lửa đẩy duy nhất từng đưa con người vượt qua quỹ đạo địa cầu. Tổ hợp Starship có năng lực tạo ra lực đẩy gần 8.000 tấn, tức gấp đôi lực đẩy của hệ thống tên lửa đẩy vũ trụ SLS do NASA phát triển cho sứ mệnh mặt trăng. Một vài trong số 33 động cơ của tên lửa đẩy đã không hoạt động trong vụ phóng ngày 20.4.
Bình luận (0)