'Siêu' Uỷ ban Quản lý vốn rối như tơ vò: 'Doanh nghiệp kêu là do không đúng ý họ'

Chí Hiếu
Chí Hiếu
10/03/2020 15:04 GMT+7

Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn thừa nhận việc xử lý các kiến nghị, dự án mà doanh nghiệp trình lên Uỷ ban có chậm, song doanh nghiệp "kêu" là bởi "không như ý họ".

Sau khi Thanh Niên đăng loạt bài cơ chế quản lý của Ủy ban Quảng lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) rối như tơ vò, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBQLV đã trả lời xung quanh các thông tin cho rằng nhiều dự án, đề xuất của các doanh nghiệp (DN) bị ách tắc, chậm trễ sau khi chuyển giao từ các bộ về UBQLV.

 

"Mới đôi tháng DN đã kêu" (!?)

 
Thưa ông, gần đây rất nhiều DN thuộc UBQLV than phiền đồng loạt vì việc các dự án của họ từ ngày về UBQLV đã bị ách tắc và Thủ tướng cũng có lần cũng nhắc UBQLV còn chậm xử lý với các đề nghị của DN?
Ông Nguyễn Hoàng Anh: Chúng tôi không thấy nhiều đơn vị kêu, nên không thể nói là đồng loạt được. Ở đây, chỉ có 2 DN là Tổng công ty Đường cao tốc (VEC) và Tổng công ty Đường sắt (VNR) - trước đây từ Bộ GTVT chuyển sang.
Tất nhiên, đúng là thời gian đầu có chậm. Đến tháng 6.2019, chúng tôi mới tuyển được khoảng 50 người, nay là 90 người, dù biên chế cho 150. Với từng đó nhân sự, chúng tôi quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty là khối lượng công việc rất nhiều.
Trong khi đó, Cục Đường sắt có 100 con người mà lo mỗi việc của Tổng công ty Đường sắt. Còn chuyện có một số chậm thì đa số là với các dự án có tính lịch sử, kéo dài từ nhiều năm trước. Có dự án kéo dài đã 3 - 7 năm, thậm chí hơn 10 năm trước, khi DN về UBQLV, như nhiệt điện Thái Bình 2 chẳng hạn.
Còn với các dự án mới, ví dụ các dự án điện của EVN, nguyên tắc của chúng tôi là cái gì khi lên đến tôi là xong, đồng ý, nếu anh em làm được ngay từ đầu. Do vậy, trước đó, hay khi có vấn đề, họ ngồi cùng các vụ chuyên môn, thảo luận, thống nhất, xong trình văn bản đẩy đủ, tôi ký ngay. Tất nhiên cũng có DN, các cán bộ chuẩn bị không kỹ, chưa bàn bạc với nhau, anh em người ta thấy thiếu, yêu cầu bổ sung là chuyện thường.
Thủ tướng từng yêu cầu UBQLV không tạo nên một tầng nấc trung gian, và bản thân ông cũng nói chỉ muốn là “cầu nối” chứ không thêm cấp hành chính, nhưng có vẻ DN lại không cho là như thế?
Nói về nguyên tắc, thêm một cơ quan thì thì quy trình thêm một bước, nên nếu nghĩ là chậm hơn là có thể hiểu. Nhưng vấn đề đặt ra là với DN thì họ hiểu sao? Họ không nói đến đoạn trước đây ở các bộ, ngành bao lâu thì sao, nghĩa là đã chậm trước đó thì các DN không nghĩ đến. Thế nhưng về đây đôi tháng đã kêu. Quan trọng nhất là không đúng theo ý DN thì có thể DN họ kêu. Nhìn chung là chúng tôi đang làm công tác quản lý tốt hơn, minh bạch hơn, hướng dẫn các DN làm và triển khai theo đúng quy định của các luật hơn...
TS Nguyễn Đình Cung, người chấp bút cho đề án lập ra UBQLV, nhận xét sở dĩ các dự án bị đình trệ, ách tắc do UBQLV đã không làm đúng bản chất của mình lúc mới thành lập. Đáng ra, UBQLV chỉ giao mục tiêu (như tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính) trên danh mục vốn để DN thực hiện, chứ không phải đi giao từng dự án, vì UBQLV không phải nơi đủ sức, đủ người để thẩm định dự án đầu tư của DN?
Khi chúng tôi đặt vấn đề xây dựng dự thảo Nghị định về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu của UBQLV, chúng tôi đề nghị có phương án hoạt động theo mô hình DN, nhưng các ý kiến khác nói phải là quản lý nhà nước.
Chúng tôi không phê duyệt chuyên môn từng dự án, mà trên góc độ quản lý đồng vốn trong dự án. Chuyên môn thì có các bộ chuyên ngành thẩm định. Tuy nhiên, muốn biết có hiệu quả không thì đúng là phải xem xét vấn đề chuyên môn, thậm chí không có người thì vẫn phải thuê chuyên gia để đánh giá. Vấn đề đặt ra nhanh hay chậm thì thực tế là những dự án mới thì giải quyết rất nhanh.
Dự án nào chúng tôi tham gia cho ý kiến ngay từ đầu thì nó quá đơn giản và rất nhanh. Song cũng có những dự án đã tồn đọng từ trước, sau chuyển về UBQLV thì đúng là có khó hơn, vì bản thân ngay từ đầu một số dự án đã áp dụng một luật chưa phù hợp dẫn đến khi triển khai lại vướng các luật hướng dẫn khác theo hiện nay, mà nếu vướng thì đã vướng ngay từ đầu chứ không phải khi về Ủy ban mới vướng…

Sửa luật là hết...vướng mắc ngay

Khi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, ông từng nói vấn đề là UBQLV được giao quyền chưa tương xứng với trách nhiệm. Đây có phải là nguyên nhân khiến nhiều dự án ách tắc?
Chúng tôi nói thế nhưng cũng mang tính tương đối thôi. Như bây giờ yêu cầu chúng tôi phê duyệt dự án này dự án kia trong điều kiện pháp lý thì chưa rõ. UBQLV ra đời bằng một nghị định, các luật như luật 69 (luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN ), luật Đầu tư đều ra đời trước.
Thứ hai là yếu tố con người, bộ máy giờ chưa đủ.
Vậy UBQLV đã kiến nghị gì để vừa tháo gỡ các dự án trước mắt, vừa để sau này tình trạng này không lặp lại?
Chúng tôi đã kiến nghị và Thủ tướng đã giao Bộ KH-ĐT trước hết đang sửa một số luật và nghị định, như luật 69, luật Đầu tư… Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ủy ban ngày 17.7.2019, chúng tôi cũng đã nêu các kiến nghị này và đã được Thủ tướng kết luận, giao Bộ KH-ĐT phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ Nghị quyết trong phiên họp tháng 7 để tháo gỡ khó khăn cho các DN trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh. Nếu Bộ KH-ĐT trình sớm nghị quyết của Chính phủ, hoặc kiến nghị điều chỉnh các luật kịp thời thì chắc chắn là sẽ hết vướng mắc ngay.
Khi luật ra đời mà đã có UBQLV thì khác, nhưng luật của mình đáng ra cần cái khung, không đi vào chi tiết quá thì đã không phải hay sửa. Ví dụ, đừng có nêu tên đại diện chủ sở hữu của DN là bộ A, bộ B, chỉ nên quy định khung là đại diện chủ sở hữu, đằng này cứ liên quan đến đường sắt thì ghi chủ sở hữu là Bộ GTVT, liên quan công nghiệp thì ghi là Bộ Công thương, nên khi bàn giao sang Uỷ ban thì bị mắc cái tên đó...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.