Singapore vượt lên dẫn đầu vốn FDI vào Việt Nam

Nguyên Nga
Nguyên Nga
26/02/2022 10:51 GMT+7

Trong 2 năm bùng phát Covid-19, đặc biệt trong 2 tháng đầu năm nay, Singapore tiếp tục giữ ngôi vị quán quân trong vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bước sang tháng đầu tiên của năm 2022, có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vốn vào Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 666 triệu USD, chiếm 31,7%. Hàn Quốc đứng thứ hai với 481 triệu đô la, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 451 triệu đô la, chiếm gần 21,5%.

Hơn 2 năm qua, quốc đảo sư tử Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam

NGUYÊN NGA

Trước đây, ngôi “vương” luôn là nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Từ năm 2020 đến nay, Singapore đã vượt mặt 2 quốc gia trên, giành ngôi quán quân, với tổng vốn đăng ký gần 9 tỉ USD trong đó có 1 tỉ USD đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng gấp đôi so với con số 4,5 tỉ USD của năm 2019.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20.2, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỉ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 183 dự án đăng ký mới, với 631,8 triệu USD, tăng 45,2% về số dự án và giảm 80,9% về số vốn.

Việc vốn đầu tư đăng ký mới 2 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh so với cùng kỳ, theo Cục Đầu tư nước ngoài, do trong 2 tháng đầu năm 2021 có nhiều dự án quy mô vốn lớn trên 100 triệu USD. Riêng các dự án này đã chiếm tới 69,2% tổng vốn đăng ký mới của 2 tháng năm 2021. Đặc biệt trong đó có dự án nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỉ USD.

Tuy nhiên, một số dự án FDI điều chỉnh tăng vốn mạnh mẽ trong 2 tháng qua. Đó là dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD và dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, còn có dự án nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh.

Đánh giá về kết quả này, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, điểm nhấn là vốn điều chỉnh và vốn đầu tư đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm mạnh do không có nhiều dự án quy mô lớn song số lượng dự án đầu tư mới lại tăng hơn 45%...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.