Giải pháp tình thế
Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng, cho rằng cần có chính sách “điều hành” để cân bằng giới tính nam - nữ, tương tự như chúng ta đã làm với một số chính sách khác. “Ngoài biện pháp tuyên truyền vận động để thay đổi tâm lý trọng nam khinh nữ, chúng tôi sẽ đề xuất lên Chính phủ về áp dụng chính sách ưu tiên cho trẻ gái. Có thể áp dụng các ưu tiên cho trẻ gái như: khi đi học, con trai nộp học phí, con gái thì không. Kỳ thi đại học con gái được cộng điểm ưu tiên. Các giải pháp này có tham khảo ý kiến chuyên gia nước ngoài, và đang trong quá trình xây dựng chính sách. Nếu thực hiện sẽ là giải pháp tình thế để hỗ trợ giảm việc lựa chọn sinh bé trai. Vừa qua, một số địa phương đã có chế độ khen thưởng, tuyên dương các gia đình chỉ sinh hai con gái như tại tỉnh Thái Bình… Quà tặng giá trị không lớn nhưng rõ ràng là động viên các gia đình sinh con một bề gái và chắc chắn sẽ có tác động đến tâm lý các gia đình khác”, ông Trọng nói.
|
Bác sĩ Dương Phương Mai, Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM), cho rằng: “Việc vận dụng chính sách ưu tiên, thưởng cho gia đình có con gái, một mặt sẽ giúp những người có quan điểm, lập trường chưa tốt (ý nói những người cho rằng sinh con trai tốt hơn - PV) an tâm và đỡ tủi thân; mặt khác phần nào sẽ kéo giảm tình trạng bỏ thai trong lựa chọn giới tính. Bởi trên lý thuyết chúng ta cấm việc chẩn đoán giới tính thai nhi. Nhưng trên thực tế chúng ta chưa thể kiểm soát hết việc này được, nên vẫn còn tình trạng các cặp vợ chồng bỏ thai để lựa chọn giới tính con”.
|
Bác sĩ Tô Thị Kim Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, kiêm Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng: “Việc có chính sách ưu tiên cho gia đình có con gái một bề là một trong số nhiều biện pháp cân bằng giới tính trai - gái trong xã hội. Chính sách này cũng được vận dụng có hiệu quả tại Hàn Quốc và Trung Quốc, trong đó Hàn Quốc vận dụng đạt hiệu quả nhất”. Theo bác sĩ Hoa, ở các đô thị lớn, chẳng hạn như TP.HCM, người dân có sự hiểu biết rộng, và thoáng trong việc sinh con gái hay trai, nên tỷ lệ chênh lệch trai - gái vẫn nằm trong ngưỡng an toàn (ở TP.HCM là 106 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ chung cả nước là hơn 112 trẻ trai/100 trẻ gái, vượt ra ngoài tỷ lệ báo động là từ 110 trẻ trai/100 trẻ gái). “Do vậy, chúng ta cần vận dụng nhiều biện pháp thích hợp để không đưa đến thực trạng chênh lệch quá mức về trai - gái”, bác sĩ Hoa nói.
Biện pháp nào căn cơ nhất?
Phần lớn các ý kiến đều cho rằng biện pháp căn cơ nhất vẫn là làm sao thay đổi nhận thức về quan niệm trai gái của người dân. Chứ với những gia đình kinh tế khá giả, thì việc hỗ trợ, thưởng tiền không là gì với họ. Bác sĩ Tô Thị Kim Hoa nói: “Biện pháp căn cơ và lâu dài nhất vẫn là làm sao nâng cao được nhận thức của người dân, nhất là với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những nam nữ chuẩn bị lập gia đình, và cả nhận thức chung của toàn xã hội. Khi trình độ nhận thức nâng lên thì họ không còn quan niệm cổ hủ về con trai, con gái, từ đó sẽ giảm được mất cân bằng giới tính”. Bác sĩ Dương Phương Mai cho rằng việc sinh con tự nhiên, không có sự can thiệp lựa chọn giới tính vẫn là tốt nhất. Để được như vậy, điều căn cơ nhất vẫn là nâng cao nhận thức của người dân. Bởi trên thực tế có những địa phương tỷ lệ chênh lệch trai - gái cao hơn nhiều tỷ lệ chung của cả nước. Và cho đến nay, vẫn còn nhiều gia đình, nhất là ở các tỉnh, vùng quê không có sự thay đổi nhiều về quan niệm trai, gái. Chỉ những người đi đây đó, giao tiếp nhiều, mới có cái nhìn thay đổi và bình đẳng về giới tính.
Còn theo bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh, Trưởng khoa Khám bệnh A, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, TP.HCM: “Việc hỗ trợ, thưởng tiền cho người sinh một bề con gái có thể sẽ tác động, có sự cải thiện với nhóm những cặp vợ chồng kinh tế khó khăn. Còn với nhóm gia đình khá giả thì phụ thuộc chính vào trình độ nhận thức của họ, vì việc hỗ trợ không là gì với nhóm này”.
Thanh Tùng - Liên Châu
>> Mất cân bằng giới tính ở ngoại thành còn cao
>> Báo động mất cân bằng giới tính
Bình luận (0)