Sinh ít con hơn nếu sống chung với mẹ chồng hoặc mẹ ruột

27/10/2017 10:40 GMT+7

Nghiên cứu mới đây ở Áo phát hiện những người phụ nữ phải sống chung với mẹ chồng hoặc mẹ ruột thường sẽ có ít con hơn so với những người chỉ sống chung với chồng.

Các nhà khoa học Áo đưa ra kết luận này sau khi phân tích số liệu của gần 2,5 triệu phụ nữ trên khắp thế giới. Hiện tượng này dường như đi ngược lại quan điểm của các nhà sinh vật học cho rằng phụ nữ sống chung với mẹ ruột hoặc mẹ chồng có xu hướng sinh nhiều con hơn, theo Daily Mail.
Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Royal Society Open Science được đánh giá là có phát hiện “thú vị”. “Số liệu của chúng tôi chỉ ra rằng mức sinh thấp hơn khi phụ nữ sống chung với mẹ. Điều này rất thú vị”, các nhà nghiên cứu viết.
Nhóm khoa học tại Đại học Vienna (Áo) đã phân tích số liệu điều tra dân số của gần 2,5 triệu phụ nữ trong độ tuổi lập gia đình từ 15 đến 34. Các số liệu này được tập hợp từ 14 quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước như Mỹ, Iraq, Argentina, Thái Lan.
Nghiên cứu cũng xét đến các yếu tố khác biệt về văn hóa. Ví dụ ở Mỹ chỉ có 1,47% phụ nữ có gia đình sống với mẹ chồng, trong khi tỷ lệ này ở Iraq là 53%. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tính đến các yếu tố có thể tác động đến số con như trình độ học vấn và vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, theo Daily Mail.
Một lý thuyết các nhà khoa học đưa ra là cạnh tranh sinh sản. Cụ thể, ở nhiều nước, bà ngoại hoặc bà nội đang có xu hướng ngày càng trẻ. Trẻ đến mức ở tuổi họ nhiều người vẫn còn khả năng có thể sinh thêm con.
Do đó, những người bà này tin rằng việc họ tự có con và chăm sóc con của mình quan trọng hơn là chăm nom cháu ngoại hoặc cháu nội. Chính vì thiếu sự hỗ trợ từ các người bà nên nhiều phụ nữ sống chung với mẹ ruột hoặc mẹ chồng sẽ ngại sinh con, theo Daily Mail.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.