Đêm trước ngày lên đường ngược lên miền biên viễn Việt - Lào, PV Thanh Niên gọi điện thoại cho đại úy Đặng Văn Phong, Chính trị viên, Phó đồn biên phòng Làng Ho, để dò đường. Anh bảo, đi đường 16 (QL9C) là chắc chắn nhất. Đường 10 (QL9B) còn sạt lở, trơn trượt, khó đi.
Đấy là 2 đường xương cá trong hệ thống đường Trường Sơn, nối 2 nhánh đông - tây đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Quảng Bình. Chúng tôi xuất phát từ hướng bắc nên đi đường 16 thì phải vòng xa hơn vài chục cây số. Đường này từng bị sạt lở nghiêm trọng, nhưng đã được khắc phục cơ bản.
|
Những bữa cơm trắng măng rừng
Sau gần 2 tiếng di chuyển, bản Mít Cát (xã Kim Thủy) hiện ra với những ngôi nhà sàn mái tranh cũ rách, nằm lác đác 2 bên đường Hồ Chí Minh nhánh tây. Hai cán bộ trong tổ công tác địa bàn của Đồn biên phòng Làng Ho đón chúng tôi. Sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt những người lính dạn dày sương gió.
Các anh vừa trải qua quãng thời gian khủng khiếp nhất. Lũ lịch sử ở đồng bằng Lệ Thủy phần nhiều được bắt nguồn từ nơi đây. Mưa Trường Sơn dữ dội. Nước ầm ào đổ về trên các sông suối. Thời điểm miền xuôi chưa ngập lụt, thì người ở miền ngược đã cảm nhận được trận đại hồng thủy sắp ập xuống, vì nhìn thấy con nước hung tợn. Hai trận mưa lũ lớn liên tiếp từ đầu tháng 10.2020 vùi dập làng bản, đường sá…
Từ lúc mưa lũ cho đến nhiều ngày sau, cả địa bàn dân cư gần 10 bản thuộc 2 xã Kim Thủy và Lâm Thủy bị cô lập, chia cắt. Đồn biên phòng đã cắt cử tổng cộng 34 cán bộ, chiến sĩ bám bản, sát cánh cùng người dân. Khi lũ đổ về dữ dội, những người lính biên phòng đội mưa, vượt lũ đến di tản dân bản, đưa người dân đến các điểm cao an toàn. Lũ rút đi, người lính lại hỗ trợ đưa đồ đạc về nhà, giúp dân sửa chữa nhà cửa, khơi thông đường.
Sau lũ, nói nơi đây “tái nghèo thành công” cũng được, nhưng không hẳn đúng. Bởi dường như cái nghèo, cái thiếu thốn chưa bao giờ chịu “rời bỏ” bà con Vân Kiều. Người đồng bào sống ở miền sơn cước, làm cái gì cũng khó, của một đồng công một nén. Nay cộng thêm lũ cuốn trôi gia cầm, gia súc, lương thực tích trữ nên chưa biết khi nào bà con mới gượng dậy nổi. Vì thế, dù không muốn nói đến, nhưng nhìn những ngôi nhà xập xệ, những ánh mắt đượm lo âu, thì bức tranh nghèo khó vẫn còn nguyên vẹn gam màu xám…
Trung tá biên phòng Dương Văn Cầm dẫn chúng tôi đi bộ men theo con đường bê tông nhỏ về một xóm tầm chục nhà ở bản Mít Cát. Anh bảo, lũ 2 lần, dâng ngập nhà dân đến 1,5 m. Đời sống bà con rất khó khăn.
Nhà bà Hồ Thị Bích ở ngay đầu xóm. Trời chiều, bà và chồng ngồi trên bậc sàn nhà nhìn ra. Nhà bà có cây bưởi trái trĩu nặng nhưng bị úa vàng vì ngâm nước lũ lâu ngày. “Hắn rụng độp độp trên mái nhà, ngủ không được. Mất hết rồi!”, bà Bích thở dài.
Chúng tôi bước lên nhà chị Hồ Thị Lài. Gian nhà rộng chừng 15 m2 cho vợ chồng chị và 2 đứa con nhỏ “tích hợp” vừa ăn ngủ, sinh hoạt, bếp núc. Cái ti vi cũ nhỏ xíu là vật giá trị nhất trong nhà. Áo quần, chăn màn, đồ đạc linh tinh để lẫn lộn… Chị Lài kể đã nhiều hôm, bữa cơm nhà chị chỉ có măng chấm nước mắm.
Đặt chân lên vùng đất này với bao cách trở, thiệt hại và nhìn những ngôi nhà như túp lều, chúng tôi cũng mường tượng ra rằng “bữa cơm có thịt” gần như là một thứ xa xỉ đối với bà con Vân Kiều.
Qua nhiều nhà khác, những hình ảnh chúng tôi thấy cũng chỉ có vậy. Những con người ngồi thẫn thờ nơi bậu cửa. Thấy người lạ, nhiều bà con vẫn ngồi bất động, không cảm xúc. Có chăng, một vài đứa trẻ hiếu động ló đầu qua ô cửa nhỏ với ánh mắt tò mò… Chúng tôi cố hình dung, họ nằm ngủ trên sàn nhà được làm bằng các mảnh ván ghép lại, gió lùa qua sẽ lạnh đến mức nào!
Tái… biệt lập
Nhớ lại, những ngày mưa gió cuối năm 2018, hình ảnh chiếc xe máy của người dân bản Bạch Đàn (xã Lâm Thủy) bị dòng nước lũ ào ào cuốn trôi được một giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy quay clip, khiến nhiều người bàng hoàng. Ít ai biết, dù cách không xa trung tâm xã, nhưng Bạch Đàn dường như bị chia cắt, cô lập. Bình thường, người dân và giáo viên cắm bản phải lội bộ qua 9 lần suối chảy để vào ra bản; nhiều chỗ nước sâu, cuồn cuộn. Mưa rừng đổ về chia cắt đường suối này bất cứ lúc nào. Mùa mưa lũ, không thể lội suối, họ bấu víu nhau mò mẫm trên đường mòn ven núi dốc cao và trơn trượt.
Sau khi Báo Thanh Niên đăng những bài viết về nỗi gian truân ấy, một con đường bằng bê tông dài gần 6 km vượt núi được đầu tư xây dựng và thông xe vào ngày 29.7 vừa qua. Một ngày ngập tràn cảm xúc khó quên với chính quyền và người dân xã Lâm Thủy, nhất là người dân Bạch Đàn, các giáo viên cắm bản và Bộ đội biên phòng Làng Ho…
Với bà con Vân Kiều sống ẩn khuất sau những rặng núi Trường Sơn, đã bao đời nay người lạc quan lắm cũng không nghĩ sẽ có một con đường bê tông phẳng phiu nối ra trung tâm xã như ngày hôm ấy. Con đường chỉ như giấc mơ luôn thường trực trong tim họ nay đã thành hiện thực.
Oái oăm thay, mưa lũ gây sạt lở, tắc đường đã một tháng rưỡi qua. Mùa này, đường suối không thể đi được. Vì vậy, để ra bên ngoài hay từ bên ngoài vào bản chỉ còn cách đi bộ vượt rừng theo đường sạt lở. Mỗi chiều đi hết tầm 90 phút.
Mưa lũ còn gây thiệt hại về tài sản của dân bản Bạch Đàn. Trung tá Lê Thế Khỏe, cán bộ Đồn biên phòng Làng Ho (cũng là Phó bí thư Chi bộ bản Bạch Đàn), liệt kê những con số đáng buồn: Bản có 56 hộ với 240 khẩu, hết 31 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo, chỉ có 6 hộ thoát nghèo. Hiện có 4 hộ với 22 khẩu đang ở nhà tạm bợ. Có 5 ha lúa nước thì lũ san lấp hết hơn 2 ha. 25 ha sắn nguyên liệu cũng bị thiệt hại khoảng 70%. Từ đầu năm, bà con đã đầu tư không ít tiền để khai hoang làm lúa nước, nay bị đất đá sạt lở trôi xuống bồi lấp hết. Giờ bà con thiếu thốn nhiều bề trong sản xuất. Thức ăn cũng thiếu…
Thiếu thốn vậy, nên cứ mỗi lần nghe tin báo có đoàn đến cứu trợ là bà con mang gùi lũ lượt ra bên ngoài để nhận. Người già, phụ nữ, trẻ con cũng kéo nhau đi. Và người áp tải đoàn không ai khác chính là những cán bộ biên phòng như trung tá Khỏe. Đoàn đu bám dây vượt qua nhiều dốc cao, len lỏi qua nhiều cây cối đổ ngã nằm ngổn ngang. Khi xuống dốc, phải xoay người lại, quay ngược lưng đang gùi hàng xuống trước, một tay đu dây, một tay bấu víu vào cây ngã, thì mới tụt xuống được.
Trước khi chúng tôi rời Lâm Thủy, trung tá Lê Thế Khỏe nắm chặt tay, trăn trở: “Người Vân Kiều ở vùng này thì gần như ai cũng khổ. Nhưng bản Bạch Đàn có những nét khác bởi sống tách biệt, đường giao thông sạt lở chia cắt và đất sản xuất bị hư hỏng. Không chỉ người dân mà cán bộ như chúng tôi, các giáo viên cắm bản đều mong mỏi đường sá thuận tiện, sạt lở được khắc phục”.
Chúng tôi lại theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây, rẽ về đường 16. Những mái nhà sàn mục nát lùi lại sau lưng. Quả thực, bài toán xóa đói giảm nghèo ở miền thâm sơn cùng cốc này gần như chưa có lời giải. Và chẳng biết đến bao giờ, ánh mắt của người Vân Kiều mới thôi đăm đắm…
(còn tiếp)
Bình luận (0)