Nguyễn Thị Quy, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, người đã từng tổ chức nhiều buổi sinh nhật cho bạn ở phòng KTX, cho biết: “Sinh nhật ở phòng mình chỉ mua ít bánh kẹo, trái cây và bánh kem (có khi không có). Mỗi lần như vậy, bọn mình góp khoảng 20.000 - 30.000 đồng/người, dư thì xung vào quỹ phòng”. Thỉnh thoảng Quy còn thay đổi hình thức tổ chức như: thắp nến, nghe nhạc và tâm sự, chơi trò chơi... “Sinh nhật cũng là dịp để mọi người quan tâm, có trách nhiệm và gắn bó với nhau hơn. Đã có những giận hờn được bỏ qua, nhiều tình bạn thân được vun đắp, nhiều khoảnh khắc với những câu chúc được lưu giữ qua những tấm ảnh, đoạn băng ghi âm để khi coi lại mọi người cùng nhau cười, bàn tán và cảm động vì nhớ”, Quy chia sẻ thêm.
|
Phần lớn những SV có ngày sinh sớm nhất trong phòng thường có suy nghĩ là không ai để ý đến ngày sinh của mình do chưa thân quen, hay bận đi học, đi làm thêm… Vì vậy, họ đã khá bất ngờ và xúc động khi được cả phòng tổ chức.
|
Nguyễn Thị Chính, SV ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Đến bây giờ mình vẫn còn nguyên cảm giác lần đầu tiên được tổ chức sinh nhật ở KTX”. Chính kể hồi nhỏ ở dưới quê chưa bao giờ được tổ chức sinh nhật, chỉ có một số bạn thân tặng quà khi học lớp 12. Vào ĐH, ở KTX, đến ngày sinh nhật cứ nghĩ cũng bình thường như mọi năm. Ai ngờ 12 giờ tối đang ngủ thì bị gọi dậy, Chính “khó chịu lắm”, mở mắt ra thấy các bạn đứng xung quanh, cầm bánh sinh nhật và hát chúc mừng. Lúc đó Chính “vui và cảm động không kìm được nước mắt”.
“Mình thì ấm ức lắm, đi học về đã mệt vậy mà trong phòng hết người này đến người kia gọi điện nhờ mua đồ. Trời lại mưa, xách bao nhiêu thứ về đến phòng mình muốn xỉu luôn. Bước vào tưởng phòng mất điện, ai dè do mọi người tắt để hù mình. Được trao bánh cùng với câu chúc mừng sinh nhật làm mình thật sự bất ngờ và hạnh phúc. Một bạn trong phòng cho biết rất vui khi đã “hành hạ” được chủ nhân của bữa tiệc”, Lương Thúy Luân, SV ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM chia sẻ.
Hồi hộp đợi chờ là tâm trạng của người ở nhà đợi nhân vật chính, đồng thời cũng là tâm trạng chờ được sự đồng ý của các chú bảo vệ cho vào cổng KTX.
Nguyễn Thị Hoàng Yến, SV ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: “Mỗi lần mang bánh kem qua cổng đều bị các chú bảo vệ chặn lại ghi tên, số phòng vì các chú sợ mình uống rượu bia, làm ồn…, phải năn nỉ, bọn mình mới được mang bánh sinh nhật vào. Trong lúc đang vui vẻ và nâng cao ly nước cùng hô 1, 2, 3… dô, thì nhìn ra cửa cả phòng hết hồn vì thấy 2 chú bảo vệ đứng đó quan sát từ khi nào, nhưng thấy bọn mình không ồn ào nên đứng một lát là các chú đi”.
“Vui nhất là lúc vào nhà tắm, đóng kín cửa và thắp nến nhưng nhân vật chính vẫn không xuất hiện, thổi nến làm khói mù mịt trong nhà tắm khiến tụi mình ho sặc sụa. Khi nhân vật chính về tới thì những cây nến đã cháy gần hết, chỉ đủ thắp lên chút xíu. Tuy giận nhưng có thêm kỷ niệm để nhớ”, Lưu Nữ Kiều Vân, SV ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ.
Lưu Hường - Hoài Thu
>> Sinh nhật cũng là ngày tử?
>> Sinh nhật buồn của ông Mubarak
>> Quà sinh nhật
>> Sinh nhật giúp người nghèo
Bình luận (0)