'Sinh tồn' giữa kỷ nguyên số

29/08/2024 04:13 GMT+7

Việc Bộ TT-TT phát hiện hơn 800.000 camera giám sát của Việt Nam đang bị chia sẻ dữ liệu hình ảnh công khai trên internet trên thực tế không quá bất ngờ. Bởi từ vài năm qua, đã có nhiều cảnh báo về tình trạng thiếu an toàn thông tin khi dùng các loại camera an ninh đang được bán trên thị trường.

Nhiều cộng đồng trực tuyến, hội nhóm trên mạng xã hội từ vài năm qua cũng đã chia sẻ nhau về những trang mạng cho phép theo dõi camera an ninh của rất nhiều gia đình, đơn vị.

Với mức giá ngày càng rẻ, camera dần phổ biến trong nhiều gia đình. Nhưng cũng vì thế, mà camera an ninh trở thành nguồn thông tin, dữ liệu giá trị để khai thác cho những mục đích xấu.

Đồng hành với sự phát triển của kỷ nguyên số, nhiều thiết bị công nghệ viễn thông cũng dần trở thành một phần trong cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình. Đó là máy tính xách tay (laptop), điện thoại di động thông minh (smartphone), máy tính bảng (tablet), camera an ninh, đồng hồ thông minh, thiết bị định vị, máy ảnh số… Kèm theo sự bùng nổ về thiết bị công nghệ là các ứng dụng, phần mềm để phục vụ rất nhiều nhu cầu trong đời sống.

Thế nhưng, như câu nói đùa "hiện đại thì hại điện", "hại điện" ở đây chính là mặt trái của các thiết bị số, phần mềm, đặc biệt là nguy cơ lộ lọt thông tin người dùng. Cần nhớ, mỗi thiết bị mà chúng ta sử dụng, mỗi ứng dụng mà chúng ta cài đặt đều là một nguồn rủi ro bị lộ lọt thông tin, đánh cắp dữ liệu. Và hậu quả của điều đó đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhiều người.

Có một thực tế là nhiều người chỉ quan tâm đến tiện ích mà bỏ qua rủi ro đối với bảo mật thông tin khi sử dụng thiết bị công nghệ và các ứng dụng, phần mềm. Điển hình, không ít người sẵn sàng cài đặt ứng dụng lên smartphone hay máy tính bảng chỉ vì sự mới lạ, hay một lợi ích trước mắt nào đó mà không hề tìm hiểu, đánh giá những rủi ro bảo mật có thể gặp phải. Tương tự, camera an ninh không rõ nguồn gốc đang được bán trôi nổi trên thị trường trở thành chọn lựa của nhiều người. Thế nhưng, người mua không hề quan tâm hệ thống lưu trữ trực tuyến, ứng dụng kết nối trung gian (để có thể theo dõi từ xa) có thực sự bảo mật, an toàn hay không. Thậm chí, nhiều người dùng còn phó mặc cho người bán cài đặt tài khoản theo dõi camera.

Cứ như thế, việc lộ lọt hay bị đánh cắp dữ liệu, thông tin rất dễ xảy ra và kết quả "hại điện" là người dùng thiệt thân.

Vì vậy, trong bối cảnh công nghệ số bùng nổ hiện nay, mỗi người cần phải có khả năng "sinh tồn" để tránh thiệt thân vì những lý do trên. Khả năng "sinh tồn" ở đây là kiến thức về cách chọn mua thiết bị, tìm hiểu rủi ro từ các ứng dụng, chứ không thể thích là mua hay thích là cài đặt.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần có những động thái mạnh mẽ hơn để bảo vệ người dùng như kiểm soát hiệu quả thiết bị công nghệ đang được bán trên thị trường nhằm sàng lọc những sản phẩm không đủ chuẩn, có nhiều rủi ro bảo mật, không rõ nguồn gốc. Nhưng tất nhiên, trước hết, mỗi người cần có ý thức về bảo mật để tránh rủi ro thời công nghệ số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.