Công bố khoa học là hình thức trao đổi học thuật trong giới khoa học có truyền thống từ vài ba trăm năm, ban đầu chỉ dành cho đối tượng độc giả rất hẹp. Sự phát triển theo cấp số nhân của lực lượng nghiên cứu, ứng dụng và triển khai khoa học và công nghệ song song với quá trình toàn cầu hóa trên thế giới đã khiến xuất bản khoa học thay đổi cả về lượng và chất. Những khác biệt lớn nhất về chất được tạo ra do ảnh hưởng của mạng internet.
Mặt trái của sự phát triển khoa học công nghệ trong thời gian gần đây là sự bùng nổ về số lượng, được tiếp sức bởi internet. Một mặt, các chính phủ trên thế giới đều nhận ra ý nghĩa sống còn của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế xã hội, dẫn đến tăng cường đầu tư, phát triển đội ngũ nghiên cứu và các chương trình nghiên cứu. Việc này dẫn đến nhu cầu đánh giá chất lượng, hiệu quả của các nghiên cứu trên bình diện rộng lớn hơn. Sức ép dồn lên các cơ quan quản lý khoa học khiến họ có khuynh hướng tìm kiếm các tiêu chí đánh giá càng đơn giản càng tốt. Không hẹn mà cùng, tất các cả nước đang phát triển với một lực lượng khoa học non kém và thiếu tập trung đều lựa chọn các chỉ tiêu mang tính định lượng như số công trình, số trích dẫn làm thước đo chất lượng, hiệu quả.
Khách quan mà nói, đối với những nền khoa học còn non kém, việc sử dụng các con số nêu trên thông qua những cơ sở dữ liệu được coi là "có uy tín quốc tế" (ví dụ ISI-Web of Science, Scopus…) đã tạo ra một môi trường khoa học minh bạch hơn. Ở VN, Quỹ Nafosted là đơn vị đầu tiên lấy danh mục ISI làm tiêu chí chất lượng. Phương thức tài trợ của Quỹ Nafosted đã tạo ra một làn gió mới trong hoạt động khoa học. Tuy nhiên chúng ta đã quá tin tưởng vào sự đúng đắn trong cách làm của mình để rồi sập vào chính cái bẫy do chúng ta tạo ra. Việc coi các giá trị bằng số là những "chân giá trị" đã dần biến nghiên cứu khoa học thành "công nghệ làm khoa học".
Khi chúng ta ở trong nước còn quá non kém thì mọi thứ từ bên ngoài đều được mặc nhiên coi là tốt. Tuy nhiên với sự phát triển theo thời gian cũng cần phải tự cảnh báo rằng không phải mọi thứ mang danh "quốc tế" đều tốt, kể cả những thứ được coi là "uy tín quốc tế". Đơn cử các danh mục tạp chí uy tín như ISI-Web of Science hay Scopus, hay các nhà xuất bản khoa học lớn nhất thế giới như Springer, Elsevier cũng bị lũng đoạn ở chỗ này hay chỗ khác. Đó là chưa kể đến hàng chục, hàng trăm nhà xuất bản khác, tận dụng tối đa ưu thế của internet để "hút máu các nhà khoa học" cũng như thông qua những nhà khoa học thiếu liêm chính mà rút ruột ngân sách nghiên cứu.
Cách đánh giá khoa học theo những con số, lượng hóa kết quả nghiên cứu khoa học thành những "đơn vị công bố", "đơn vị trích dẫn", và dùng chúng để tưởng thưởng, để bổ nhiệm, để xét thăng tiến dần biến cộng đồng khoa học thành một lực lượng "ăn bám" trên lưng những người công nhân, nông dân, doanh nhân dẫn tới sự triệt tiêu của cộng đồng khoa học.
Với nền khoa học VN, đã đến lúc cần quay lại cách đánh giá đã được các thế hệ khoa học thế giới thực hiện trong hàng thế kỷ qua với những thành tựu không thể chối cãi. Cuối cùng năng lực, thành tích, đóng góp của một nhà khoa học chỉ có thể được đánh giá một cách chính xác và khoa học bởi những đồng nghiệp của anh ta. Việc đánh giá thông qua đồng nghiệp, thuật ngữ quốc tế là peer-review, là luôn tốn kém, cả về thời gian, sức lực lẫn tiền bạc. Nhưng nói cho cùng, không thể có cái gì tốt mà không phải trả giá.
Bình luận (0)