Sinh viên Ấn Độ đổ xô sang Trung Quốc học y

04/07/2017 19:33 GMT+7

Do thiếu cơ hội ở quê nhà, nhiều sinh viên Ấn Độ chọn cách tới Trung Quốc học ngành y vì chi phí rẻ và đầu vào dễ.

Ấn Độ vốn coi trọng nghề thầy thuốc nên nhiều thanh niên nước này nuôi hoài bão trở thành bác sĩ để có thu nhập tốt và địa vị xã hội cao. Thế nhưng việc theo đuổi ngành y tại quốc gia Nam Á lại rất khó.
Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời Arun Krishnan, một sinh viên Ấn đang du học ở Trung Quốc, cho biết ở nước anh không có nhiều trường y công lập và rất ít suất nên cạnh tranh vô cùng gay gắt. Trong khi đó, các trường tư quá đắt đỏ và chỉ nhà giàu mới kham nổi. Dù Ấn Độ đang thiếu bác sĩ nhưng kỳ thi tuyển đầu vào ngành y toàn quốc lại vô cùng khốc liệt, không kém gì thi đại học nổi tiếng “khó nhằn” ở Trung Quốc, thậm chí còn khó hơn.
Theo Reuters, mỗi năm có hàng chục ngàn thí sinh đăng ký dự thi ở mỗi trường để tranh chưa đến 100 suất. Tỷ lệ chọi thậm chí là 1/1.000 như ở Viện Khoa học y tế Ấn Độ tại New Delhi. Số còn lại sẽ buộc phải chọn giữa trường tư với học phí “trên trời” hoặc du học nước ngoài, Krishnan chia sẻ.
Du học Trung Quốc
Biết chắc không thể thi đỗ trường công, nhiều sinh viên Ấn Độ muốn theo đuổi ngành y quyết định chọn Trung Quốc vì đầu vào dễ thở hơn. Từ năm 2004, Trung Quốc bắt đầu mở cửa cho du học sinh đến học y tại nước này. Theo quy định, sinh viên Ấn chỉ có thể chọn du học ở các trường được Hội đồng Y tế Ấn Độ (MCI) chấp nhận. Đến nay, MCI đã đưa 45 trường y công lập của Trung Quốc vào danh sách và tất cả các cơ sở này đều được Bộ Giáo dục Trung Quốc cấp phép đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Trong gần một thập niên qua, số lượng du học sinh Ấn Độ tới Trung Quốc đã tăng đột biến. Dữ liệu từ Dự án Atlas cho thấy hơn 16.000 du học sinh Ấn Độ đang theo học ở Trung Quốc, tăng 20 lần so với 10 năm trước, trong đó 80% theo học ngành y. Nitish Gupta hiện đang học năm 3 Đại học Y Thiên Tân chia sẻ trong số 105 sinh viên ở lớp anh thì có đến 45 người Ấn Độ.
Một lý do quan trọng khiến Trung Quốc trở thành điểm đến hàng đầu đối với sinh viên Ấn Độ là chi phí rẻ. Mặc dù du học ở các nước phát triển như Anh, Mỹ tốt hơn nhiều nhưng học phí lại quá cao đối với những gia đình bình dân ở Ấn Độ. Các trường y Trung Quốc cũng trang bị khá tốt về cơ sở vật chất và đáp ứng nhu cầu thực hành trên bệnh nhân.

Mặc dù vậy, đa số sinh viên Ấn khi du học Trung Quốc gặp trở ngại về ngôn ngữ nên đôi lúc không nhận được sự tin tưởng của bệnh nhân để thực tập. “Một số bệnh nhân ở Quảng Châu chỉ nói tiếng Quảng, còn chúng tôi chỉ được học tiếng phổ thông. Đôi khi bệnh nhân cũng không muốn chúng tôi khám bệnh và các giáo sư phải thuyết phục họ hoặc hỗ trợ phiên dịch cho chúng tôi”, Krishnan nói.
Cánh cửa hẹp khi trở về
Chọn học y ở Trung Quốc làm bước đệm để vươn gần hơn tới ước mơ thành bác sĩ, nhưng dù có lấy được bằng tốt nghiệp, nhiều sinh viên Ấn Độ vẫn phải phập phồng lo âu về cơ hội việc làm khi về nước. Để được chứng nhận đủ năng lực làm bác sĩ ở Ấn Độ, các bạn trẻ du học nước ngoài về phải vượt qua bài kiểm tra năng lực FMGE của MCI, trừ trường hợp tốt nghiệp ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc. “Không qua được bài thi này, bạn không thể nào làm việc tại đa số bệnh viện ở Ấn Độ, đặc biệt là bệnh viện công. Gần đây, một số bệnh viện tư cũng bắt đầu tuyển dụng bác sĩ du học nước ngoài nhưng tiền lương quá thấp, không ổn định, thiếu an toàn và nhiều khi còn bất hợp pháp”, Krishnan kể.

Theo tờ Times of India, từ năm 2005 - 2015, số lượng sinh viên thi FMGE đã tăng gấp đôi, nhưng tỷ lệ đậu thì giảm thảm hại, từ 50,1% xuống còn 10,7%. Có người phải thi nhiều lần mới đậu. Krishnan cho biết từng có nhiều đơn kiến nghị chính phủ bỏ FMGE hoặc bắt buộc sinh viên trong nước cũng phải thi cho công bằng. Tuy nhiên, yêu cầu này vẫn chưa được đáp ứng.
Hiểu được sự khắc nghiệt đó, các trường y Trung Quốc đã tìm cách mời giáo sư Ấn Độ sang dạy một số môn và giúp du học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tại quê nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.