Sinh viên bán quà quê ngày tết

12/02/2015 10:27 GMT+7

Mỗi miền quê đều có những đặc sản riêng, được ưa chuộng. Vào dịp giáp tết năm nay, nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều sinh viên đã chọn việc bán “quà quê” để có thêm thu nhập.

Mỗi miền quê đều có những đặc sản riêng, được ưa chuộng. Vào dịp giáp tết năm nay, nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều sinh viên đã chọn việc bán “quà quê” để có thêm thu nhập.

Tranh thủ giờ ra chơi, Phạm Văn Dự (phải) giới thiệu đặc sản quê mình cho bạn bè - Ảnh : Phạm Nga
Bạn Tô Lan Phương, sinh viên năm cuối, Trường Đại học Luật Hà Nội, đến từ Yên Bái, nơi có các đặc sản như táo mèo, lạp sườn, thịt gác bếp... cho biết: “Tôi kinh doanh đặc sản quê được hơn một năm nay rồi. Nhưng dịp tết thì bận rộn hơn vì nhu cầu của khách cao hơn hẳn”. Cùng quê với Lan Phương nhưng không chỉ kinh doanh đặc sản Yên Bái, Phạm Thu Hường, sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền còn “buôn” thêm hạt dẻ rừng, ô mai táo mèo và hạt thông rừng Sapa…
Để giới thiệu hàng hóa, các sinh viên chủ yếu dùng mạng xã hội và mang hàng đến lớp để quảng cáo. Thu Hường cho biết, do lấy hàng tận gốc nên hầu hết “quà quê” được bán giá “mềm” hơn so với các cửa hàng bán buôn. Ô mai táo mèo được bán với giá 400.000 đồng/kg, hạt macca socola là 330.000 đồng/kg, hạt thông rừng giá 380.000 đồng/kg... Khách đặt hàng có thể xem giá ngay trên mạng. Nhóm Thu Hường có 4 người, thay phiên nhau làm việc. Sáng đi học, chiều lại đi lấy hàng giao cho khách. Giao đến đâu hết đến đấy. Có tuần, Hường lấy 30 kg hạt dẻ, trong một buổi sáng đã bán được 27 kg.
Tuy nhiên, cũng có những bạn chọn mặt hàng không phù hợp nên khó bán hơn. Cùng trường với Hường, sinh viên Phạm Văn Dự, quê Thái Nguyên chọn đặc sản chè quê mình để bán, nhưng không nhiều người mua. Lần đầu Dự mang xuống Hà Nội 10 kg chè nhưng cả tháng mới hết hàng. Để “cứu thua”, Dự chuyển sang kinh doanh thêm hạt dẻ Cao Bằng.
Không chỉ có thu nhập từ việc kinh doanh đặc sản, sinh viên còn “thu nhập” được nhiều lợi ích từ công việc này. Tô Lan Phương cảm thấy tự hào vì có cơ hội được quảng bá đặc sản của quê hương mình đến nhiều bạn bè. Lan Phương chia sẻ: “Nhiều bạn không biết Yên Bái có đặc sản thịt gác bếp, lạp xường... khi tôi rao bán họ mới biết ”. Bán đặc sản cũng giúp cho Phương hiểu và yêu quý hơn các món ăn truyền thống của quê mình.
Dù không bán được đắt hàng, nhưng Phạm Văn Dự cũng cảm thấy rất vui vì có cơ hội được thử sức với kinh doanh. Nhờ đó mà cậu hiểu hơn về giá trị của đồng tiền. Dự chia sẻ: “Có đi bán hàng mình mới thấy bố mẹ kiếm được đồng tiền cho mình ăn học khó khăn thế nào. Tết này chắc mình phải tiết kiệm hơn chứ không hoang phí như trước nữa”. Còn Phạm Thu Hường thì cho biết, việc bán hàng đã giúp bạn có thêm kỹ năng làm việc nhóm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.