Nhóm sinh viên gồm Bùi Trí Dũng, Đinh Vũ Đức Đạt, Nguyễn Phương Thảo (ngành kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM); Phạm Nguyễn Yến Nhi (ĐH Kinh tế TP.HCM); Châu Dương Huyền Trân (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM). Dự án đoạt giải nhất trong cuộc thi "IU Startup Demo Day" 2024.
Trí Dũng, trưởng nhóm nghiên cứu dự án, cho biết xe lăn thông thường tồn tại nhiều nhược điểm, như tốn nhiều sức, thời gian di chuyển lâu và hạn chế khoảng cách di chuyển... Ngoài ra, nếu sử dụng xe lăn bằng tay thời gian dài, người dùng gặp phải tình trạng mệt mỏi và tổn thương chi trên. Tuy nhiên, chi phí cho xe lăn điện hiện nay khá cao so với người có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, việc bỏ đi xe lăn cũ để đổi sang xe lăn điện cũng là sự lãng phí không nhỏ.
"Sản phẩm ra đời với mục đích tạo ra phiên bản phụ kiện đa chức năng có thể gắn vào xe lăn tay truyền thống để chuyển nó thành xe lăn điện. Sản phẩm tích hợp pin và động cơ điện vào khung sườn được thiết kế đặc biệt, lắp vào mọi dòng xe lăn hỗ trợ người khuyết tật di chuyển dễ dàng, tiện lợi", Trí Dũng chia sẻ.
Theo nhóm, với thiết kế linh hoạt, tiện ích, đầu kéo của thiết bị có khả năng dễ dàng tháo lắp, vận hành, sạc nhanh, điều hướng trong môi trường đô thị hay địa hình gồ ghề thuận tiện và an toàn. Từ đó, giúp người dùng cảm thấy tự tin, thoải mái hơn trong hoạt động hằng ngày.
Qua quá trình thử nghiệm thực tế, nhóm nhận thấy đầu kéo xe lăn của dự án có một số điểm khác biệt so với sản phẩm đầu kéo xe lăn và xe lăn điện có mặt trên thị trường, như: tốc độ tối đa nhanh hơn, tải trọng kéo lên đến 150 kg, phạm vi di chuyển xa, phạm vi di chuyển trung bình 30 km với tốc độ 27 km/giờ.
Trong tương lai, nhóm thiết kế lại phần khớp kết nối tự động và trang bị thêm các bánh xe phụ giúp người sử dụng dễ dàng hơn trong việc kết nối sản phẩm.
Nói về tính cạnh tranh khi sản phẩm đưa ra thị trường, nhóm cho biết thiết bị được thiết kế có giá thành khoảng 5 triệu đồng, thấp hơn so với xe lăn điện hay các sản phẩm tương tự trên thị trường, giúp người dùng tiết kiệm chi phí mà vẫn có thể trải nghiệm những lợi ích tương đương.
Tiến sĩ Lê Ngọc Bích, giảng viên Khoa Kỹ thuật y sinh, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, nhận xét: "Dự án là bước tiến quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật. So với xe lăn thường, bộ phận trợ lực điện cho xe lăn giúp tiết kiệm sức lực, giảm thiểu rủi ro chấn thương khi di chuyển trên quãng đường dài hoặc địa hình khó khăn. Ngoài ra, vấn đề quan tâm hàng đầu của dự án là giải pháp an toàn cho người sử dụng xe lăn. Hơn nữa, dự án này có thể giúp giảm chi phí, giúp người khuyết tật tiếp cận dễ dàng hơn với phương tiện di chuyển hiện đại".
Bình luận (0)