Sinh viên cần dấn thân để hiện thực hóa ước mơ

Vũ Thơ
Vũ Thơ
06/12/2018 07:16 GMT+7

Trước thềm ĐH Hội Sinh viên VN khóa 10, phóng viên Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, nguyên là Chủ tịch Hội Sinh viên VN khóa 6 - 7.

Từng làm thủ lĩnh của sinh viên (SV) 10 năm trước, ông đánh giá thế nào về thế hệ SV hiện nay?
Hội SV và cán bộ Hội phải là người bạn đồng hành với SV, để lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ, định hướng cho SV. Đặc biệt cần giúp họ cải thiện phương pháp học tập, tăng cường các hoạt động ngoại khóa; tổ chức nhiều phong trào để họ tham gia rèn luyện kỹ năng
 
Tôi cho rằng SV luôn luôn là lực lượng trí thức trẻ tương lai của đất nước. So với thời 10 năm trước đây thì họ là lực lượng hùng hậu hơn nhiều với gần 2 triệu SV. Trước đây, khi tôi làm cán bộ Hội thì chỉ có mấy trăm ngàn SV thôi. Điều đó thể hiện sự lớn mạnh của lực lượng SV, của tổ chức Hội SV cả về mặt chất lượng và số lượng. Các tri thức trẻ tương lai đã có những đóng góp quý báu trong phong trào thanh niên nói riêng và trong xã hội nói chung.
Tôi thấy điều kiện để học tập và rèn luyện của các bạn SV bây giờ tốt hơn rất nhiều. Ví dụ trường học, ký túc xá, thư viện đã được đầu tư hiện đại hơn. Việc sinh hoạt, học tập, tham gia các hoạt động ngoại khóa… cũng được hỗ trợ rất nhiều từ các tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội SV.
Chưa bao giờ các trường ĐH lại mở ra nhiều ngành nghề phong phú như bây giờ, mang lại cơ hội học tập rất lớn cho SV, là chân trời rộng mở với họ. Đó là điều kiện rất tốt cho các bạn SV hiện nay.
SV có nhiều cơ hội được học tập ở nước ngoài. Trước đây, cả nước chỉ có vài ngàn người được đi học nước ngoài. Nhưng hiện nay theo thống kê của UNESCO có tới gần 70.000 SV học tập ở nước ngoài. Đây là điều đáng mừng cho đất nước, cho mỗi gia đình và xã hội vì chúng ta có một nguồn tri thức trẻ dồi dào. Đó cũng là điều thuận lợi cho tổ chức Hội SV. Hồi tôi làm chỉ có một vài tổ chức Hội ở các quốc gia, nhưng bây giờ số lượng này đã rất lớn.
Theo ông những điểm nào là hạn chế trong SV hiện nay? 
 Tôi cho rằng còn tồn tại 5 rào cản đối với SV hiện nay.
Thứ nhất, tôi thấy phương pháp học tập của SV hiện nay chưa có sự đổi mới so với trước đây. Nền giáo dục tuy đã có sự chuyển mình nhưng vẫn mang nặng về giảng dạy chữ nghĩa, học thuộc lòng… Nhìn chung giáo dục đại học vẫn mang tính truyền thụ kiến thức một chiều, chưa phát huy được năng lực của người học.
Trước thềm ĐH Hội Sinh viên VN khóa 10, phóng viên Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Bùi Đặng Dũng (ảnh), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, nguyên là Chủ tịch Hội Sinh viên VN khóa 6 - 7.
Ông Bùi Đặng Dũng Ảnh: C.T.V

Thứ hai, về năng lực ngoại ngữ, tôi thấy trình độ của đa số SV còn hạn chế. Lẽ ra việc học ngoại ngữ phải từ bậc phổ thông để khi vào ĐH thì SV phải thành thạo một ngoại ngữ rồi. Có trình độ ngoại ngữ mới giúp họ nghiên cứu, học hỏi được những kiến thức chuyên môn đủ độ sâu và rộng. Tuy nhiên, hiện đa số SV vào ĐH mới bắt đầu được học ngoại ngữ, thậm chí ra trường vẫn chưa thành thạo. Như vậy thì rất khó để hội nhập trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Thứ ba, tôi nhận thấy SV còn kém về kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm. Nhiều SV ít được tham gia các hoạt động ngoại khóa để có trải nghiệm thực tế. Số SV tình nguyện còn ít vì không phải SV nào cũng được lựa chọn tham gia hoạt động này.
Thứ tư, vấn đề thể lực của SV còn đáng lo ngại do quá trình học phổ thông chưa có điều kiện để tham gia các hoạt động thể chất, dẫn đến tình trạng vào ĐH, SV lười tập thể dục thể thao. Thêm vào đó, những thói quen sinh hoạt thiếu khoa học như ăn nhanh, thức khuya cũng làm giảm thể lực của SV.
Thứ năm, sự vận dụng kiến thức vào thực tiễn của SV hiện nay chưa tốt, hoặc do quá trình đào tạo chưa đảm bảo chất lượng. Nhiều SV tốt nghiệp ĐH xong không biết làm việc gì, có khi soạn thảo một văn bản cũng khó khăn. Sự học không đi đôi với hành, tâm lý chuộng bằng cấp khiến tình trạng thừa thầy thiếu thợ vẫn là phổ biến.
Vậy theo ông, tổ chức Hội cần phải làm gì?
Tôi cho rằng việc Hội SV triển khai phong trào SV 5 tốt rất phù hợp với tình hình hiện nay. Hội SV và cán bộ Hội phải là người bạn đồng hành với SV, để lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ, định hướng cho SV. Đặc biệt cần giúp họ cải thiện phương pháp học tập, tăng cường các hoạt động ngoại khóa; tổ chức nhiều phong trào để họ tham gia rèn luyện kỹ năng. Hội cần tổ chức nhiều hơn các hoạt động hỗ trợ học tập, nghiên cứu khoa học để SV được tham gia. Cần có những hội thảo để giúp SV đổi mới phương pháp học tập và tạo động lực để họ tích cực tham gia học ngoại ngữ.
Với chức trách hiện nay, ông có những hỗ trợ gì cho sự phát triển của Hội SV và có mong muốn, kỳ vọng gì đối với thế hệ trẻ?
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 đã thông qua luật Giáo dục đại học (sửa đổi) với nhiều quy định nhằm khắc phục những tồn tại yếu kém của giáo dục hiện nay, trong đó nêu cao việc tự chủ của các trường ĐH và thực hiện việc kiểm định chất lượng. Tôi cho rằng nếu luật đi vào thực tiễn sẽ khắc phục được những yếu kém của giáo dục ĐH hiện nay; giúp các trường ĐH có một môi trường năng động hơn. Với chức trách của mình tôi sẽ giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; lắng nghe những đề xuất kiến nghị từ các trường đại học, SV… để điều chỉnh sao cho luật đi vào cuộc sống. Đồng thời tôi sẽ thực hiện tốt việc giám sát nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục ĐH sao cho đúng mục đích, đạt hiệu quả. Tuy nhiên, tôi mong rằng ngoài nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước thì các tổ chức Hội SV cần đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các nguồn tài trợ để cung cấp học bổng và tổ chức các giải thưởng để tạo động lực cho SV, khuyến khích những tài năng trẻ.
Là nguyên cán bộ Hội SV, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ, đồng hành và giải quyết những khó khăn của Hội. Tôi tin rằng với sự hỗ trợ tốt của Hội, SV là những người đầy sức trẻ, hãy biết nắm bắt cơ hội, khắc phục khó khăn để hoàn thiện bản thân và phải dấn thân để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.