(TNO) Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ thành lập vào cuối năm 2015. Đứng trước ngưỡng cửa hội nhập, lao động Việt Nam cần trang bị những gì để không chỉ hòa nhập, mà còn thâm nhập được thị trường lao động AEC?
Lao động Việt Nam sẽ phải cạnh tranh cao khi gia nhập AEC - Ảnh: Mỹ Quyên
|
Nâng cao chất lượng đào tạo
|
Cụ thể như ở mảng đào tạo nghề đang có sự chuyển động mạnh mẽ để hướng tới sự hội nhập. PGS-TS Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: “Từ nay đến năm 2020 sẽ có 30 nghề cấp độ ASEAN được đào tạo. Bằng cấp sẽ được công nhận trong khu vực và trên thế giới. Học các chương trình này, lao động Việt Nam sẽ có đủ năng lực để làm việc bất cứ quốc gia nào trong khu vực”.
Tại Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường đang đào tạo 3 ngành trọng điểm khu vực và quốc tế, gồm cơ điện tử, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí và cắt gọt kim loại. Từ năm 2011 đến 2014 trường được cấp kinh phí đầu tư là 19 tỉ, riêng năm 2015 là 7 tỉ. Chúng tôi đã đầu tư vào việc xây dựng phòng lab để học sinh đạt chuẩn ngoại ngữ 300 TOEIC, có thể làm việc giao tiếp trong doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, trường đã đầu tư phần mềm chuẩn hóa tin học, chuẩn hóa các kỹ năng mềm, tay nghề, tác phong công nghiệp…”.
Tương tự, Trường CĐ nghề du lịch Sài Gòn cũng đã xây dựng nhiều mối quan hệ với các quốc gia trong khu vực. Mới đây nhất, trường đã phối hợp cùng Trung tâm thông tin du lịch Thái Lan tại TP.HCM tổ chức chuyên đề Thái Lan. Sinh viên rất hào hứng tham gia các đề tài thuyết minh xoay quanh các chủ đề về địa lý, văn hóa, ẩm thực, lễ hội của nước bạn. Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Những hoạt động này sẽ giúp sinh viên có thêm kiến thức về các nước trong khu vực Đông Nam Á, sẵn sàng cho cơn sóng 'dịch chuyển lao động' giữa các quốc gia”.
Sinh viên còn thiếu nhiều thứ
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) nhìn nhận: “AEC ra đời vào cuối năm 2015 sẽ tạo cơ hội cho dịch chuyển lao động có chất lượng, song mặt khác lại đặt ra những thách thức lớn cho lao động Việt Nam”.
Theo ông Tuấn, điểm yếu của lao động nước ta chính là thiếu kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, giao tiếp, sử dụng vi tính… Bên cạnh đó là ngoại ngữ yếu và tác phong công nghiệp (kỷ luật và trách nhiệm) còn thấp.
Nhận định vấn đề này, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, cho rằng so với các nước, lao động Việt Nam còn yếu nhiều kỹ năng. “Khả năng trình bày, thuyết trình, truyền đạt, tinh thần đồng đội, cách xử lý công việc khi gặp khủng hoảng… của các bạn còn rất yếu. Trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam cũng kém hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Ngoại ngữ của chúng ta có khoảng cách khá xa so với Philippines hay Thái Lan”.
Sinh viên chưa hình dung được AEC
"Đây là lần đầu tiên em nghe đến cụm từ Cộng đồng kinh tế ASEAN. Thú thực là em chưa hiểu lắm, em sẽ lên mạng để tìm kiếm thông tin". (Nguyễn Thị Lan, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn)
“Em có đọc thông tin trên báo. Tuy nhiên, em chưa hình dung ra cộng đồng này sẽ như thế nào, và em phải chuẩn bị những gì. Chắc em cứ học cho xong rồi sau này xin việc ở một doanh nghiệp trong nước, chứ cũng chưa nghĩ đến chuyện sẽ làm việc ở quốc gia khác”. (Trung Kiên, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM)
“Em cũng có tìm hiểu về các ngành nghề sẽ dịch chuyển lao động khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập. Em nghĩ rằng lúc đó nhiều doanh nghiệp trong nước cũng sẽ tuyển dụng lao động từ các quốc gia Đông Nam Á nên sự cạnh tranh lao động sẽ rất cao...”. (Trần Thúy Hằng, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM).
|
Bình luận (0)