Chưa tìm hiểu kỹ về học phí nên nộp xong xin rút lại
Mới đây, chị H. (ngụ Q.11, TP.HCM) gửi đơn phản ánh lên Báo Thanh Niên: “Ngày 21.8, tôi đưa con đến Trường ĐH B. nộp hồ sơ nhập học và đóng 104 triệu đồng tiền học phí. Ngày 26.9 tôi xin rút hồ sơ, rút tiền lúc đó trường chưa khai giảng năm học mới, con tôi cũng chưa đi học ngày nào, thì trường trừ phí mất 20% trên số tiền 104 triệu đồng, kế toán chỉ chuyển trả 83,2 triệu đồng”.
Khi nhập học, cán bộ tuyển sinh của các trường sẽ tư vấn cụ thể mọi thông tin cần thiết |
m.q |
Chị H. cho biết thêm: “Con tôi trúng tuyển vào ngành y đa khoa của trường. Lúc đầu hỏi thăm thì tôi nghe nói mỗi năm học phí là khoảng hơn 100 triệu đồng, nhưng khi đi đóng học phí tôi mới biết học phí một năm là hơn 200 triệu đồng. Tôi đã đóng trước một học kỳ là 104 triệu đồng. Khi về nhà, tôi cảm thấy mức học phí này quá sức với gia đình nên tôi đã suy nghĩ lại”.
Theo chị H., gia đình sẽ không thể kham nổi mức học phí trên trong suốt 6 năm học. Chính vì thế, chị H. quyết định đến trường xin rút hồ sơ để nộp vào ngành dược của một trường ĐH công lập có chi phí thấp hơn.
“Một phần là lỗi của tôi vì không tìm hiểu kỹ về học phí của trường trước khi nhập học. Nhưng nếu như lúc đầu cán bộ của trường tư vấn về việc nếu rút hồ sơ sẽ bị giữ lại 20% thì tôi đã không nhập học và không đóng tiền”, chị H. cho hay.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, đại diện của Trường ĐH bị phản ánh cho biết: “Việc sinh viên xin rút hồ sơ sau khi nhập học đã có trong quy định của trường. Khi phụ huynh tới trường đóng tiền, cán bộ tuyển sinh đã thông báo về các trường hợp trong quy định này và bất cứ thí sinh nào nhập học cũng đều được cung cấp thông tin như vậy. Sau vài ngày, phụ huynh lên trường yêu cầu rút hồ sơ do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Xét theo quy định, trường hợp này được hoàn trả 80% với số tiền là 83,2 triệu đồng".
Tuy nhiên ngày 11.11, phụ huynh lại gửi đơn tới trường nêu lý do gia đình gặp khó khăn, không đủ điều kiện cho con học tại trường nên xin trường hoàn nốt 20.800.000 đồng.
"Xét hoàn cảnh và sự tha thiết của gia đình, ban giám hiệu đã họp và quyết định dùng quỹ học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vượt khó trong học tập để hỗ trợ cho sinh viên một suất học bổng trị giá 10.400.000 đồng, tương đương 10% học phí học kỳ 1 ngành y đa khoa, dù cho bạn ấy chưa học ngày nào. Gia đình đã vui vẻ đồng ý. Hiện nhà trường đang hoàn tất hồ sơ để hỗ trợ...", đại diện nhà trường cho hay.
Theo vị đại diện này, trường có quy định rõ trường hợp nào rút hồ sơ thì được hoàn 100% học phí, trường hợp nào 50% và trường hợp nào 80%. "Khi thí sinh tới trường nhập học, rất nhiều bộ phận đã dành thời gian tiếp đón, tư vấn, làm thẻ sinh viên, xếp lớp... Chưa kể rút hồ sơ như vậy là trường bị trống một chỉ tiêu. Nếu không có quy định ràng buộc, em nào cũng rút hồ sơ thì các trường ĐH sẽ rất lộn xộn và không đảm bảo được chỉ tiêu cho ngành học", đại diện nhà trường cho biết.
Các trường ĐH quy định ra sao?
Hiện nay, Bộ GD-ĐT không có quy định nào về việc thí sinh nhập học muốn rút hồ sơ thì học phí được rút như thế nào, mà mỗi trường có một cách xử lý riêng. Nhưng hầu hết các trường đều giữ lại khoảng 10-20% và đây được xem như là chi phí quản lý.
Các trường có quy định và công bố công khai về những trường hợp hoàn trả học phí |
đào ngọc thạch |
Trên phiếu nộp học phí của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có ghi "Nhà trường không hoàn tiền sau khi đã nộp". Còn Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM quy định trong 7 ngày từ ngày đóng học phí sinh viên sẽ bị trừ 20% và sau 7 ngày thì trường không giải quyết.
Thạc sĩ Tô Ngọc Hoàng Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, chia sẻ: "Năm 2022 trường quy định sinh viên sẽ được hoàn 80% học phí đã nộp. Sau thời gian bắt đầu học kỳ hoặc lễ khai giảng, trường sẽ không tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hoàn và rút phí. Điều này các em được thông báo ngay khi làm thủ tục nhập học và đồng ý cam kết”.
Tại Trường ĐH Gia Định, thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng, cho biết: “Trường có quy định cụ thể. Theo đó, người học trong các trường hợp bị mất tích, tử vong, bị tai nạn nghiêm trọng, thương tật nặng hoặc mắc bệnh nan y, bệnh tâm thần… dễn đến không thể tiếp tục theo học, được động viên vào lực lượng vũ trang sẽ được hoàn trả 100% học phí. Người học gặp các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng trực tiếp qua đời hoặc thiên tai làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình hoặc định cư nước ngoài, sẽ được hoàn 80% học phí. Mức hoàn tối đa 50% đối với người học nộp hồ sơ trong vòng 30 ngày kể từ khi học kỳ bắt đầu”.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thông tin trường hợp sinh viên xin rút học phí, trường sẽ xem xét hoàn trả cho một số trường hợp đặc biệt như sinh viên thi hành nghĩa vụ quân sự (có giấy báo nhập ngũ), bệnh nặng không thể tiếp tục học (có xác nhận của bệnh viện), tai nạn hoặc sự kiện bất khả kháng (có minh chứng). Đối với những lý do khác, trường hoàn trả 75% học phí trong vòng 10 ngày kể từ ngày đóng tiền.
"Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy quy định sinh viên có quyền được nghỉ học tạm thời, tạm ngừng học, học theo tiến độ chậm; tuy nhiên không quy định đối với trường hợp sinh viên muốn thôi học và muốn rút học phí khi đã làm thủ tục nhập học và đóng học phí. Do đó, với trường hợp sinh viên muốn thôi học và rút học phí thì cần làm đơn và tùy thuộc vào quy định của trường đại học đã trúng tuyển sẽ được giải quyết", tiến sĩ Quốc Anh chia sẻ.
Bình luận (0)