Gần đây ở các trường ĐH, CĐ xuất hiện những thông tin tuyển dụng việc làm thêm với mức lương cao, nhưng khi tham gia thì... tiền mất tật mang.
Sinh viên nên tìm kiếm việc làm thêm thông qua các trường hoặc kênh Đoàn, Hội - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Dính bẫy đa cấp
T.D là á khoa đầu vào của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cách đây mấy năm. Vì áp lực phải đi làm thêm để trang trải việc học hành, sinh hoạt nên D. đã bị cuốn vào một mạng lưới đa cấp chuyên bán thực phẩm chức năng. Để tồn tại trong mạng lưới đó, D. buộc phải lôi kéo bạn bè, người thân mua hàng. Hằng tháng D. lại về quê xin tiền bố mẹ với lý do đóng học phí tiếng Anh, học kỹ năng... nhưng thực chất là mua hàng cho đủ định mức mà công ty đề ra. Do bỏ học quá nhiều để đi “phát triển mạng lưới”, D. bị nhà trường buộc thôi học.
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Mẹ D. làm đơn xin cho D. học lại. Vì thấy D. có năng lực học tập tốt, lại hứa sẽ chấm dứt làm công việc kia, nên trường đã đồng ý cho D. tiếp tục học”. Hằng ngày, mẹ D. đưa con tới trường, thấy con vào lớp xong mới an tâm ra về.
Tuy nhiên, thấy mẹ vừa về, D. lập tức xách cặp ra khỏi giảng đường, tiếp tục quay về với “mạng lưới” của mình, tiếp tục xin tiền ba mẹ. Mẹ D. không còn cách nào khác, đành thu điện thoại của con, không cho liên lạc với ai. Thế nhưng, các “đồng nghiệp” của D. không chịu thua, gửi email rồi đến tận nhà trọ và trường học tìm D. Cuối cùng D. phải chuyển nhà trọ và nghỉ học.
Cứ mỗi dịp cuối năm, lợi dụng sinh viên đang rất cần việc làm thêm, nhiều công ty biến tướng của bán hàng đa cấp đến tận trường dán thông báo tuyển dụng hoặc đăng tải trên các trang web, mạng xã hội.
Một người có tên Anh Tuấn đăng vào Facebook của sinh viên khóa 31, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM như sau: “Cần tuyển nhân viên bán sữa tại đại lý, 5 nhân viên bán hàng, 2 nhân viên chăm sóc khách hàng. Yêu cầu 18 tuổi trở lên, tính tình vui vẻ năng động. Lương từ 3,5 - 5 triệu đồng, làm giờ hành chính hoặc bán thời gian...”. Một sinh viên chia sẻ: “Khi em và bạn đến nơi để nộp hồ sơ thì hóa ra là một mạng lưới bán hàng đa cấp, tận mắt chứng kiến cảnh họ lôi kéo rất nhiều người gồm sinh viên vào mạng lưới của họ”.
Tìm hiểu kỹ về nơi tuyển dụng
Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Thỉnh thoảng vẫn có những công ty hoàn toàn mới lạ, không rõ nguồn gốc đến tận trường giới thiệu việc làm, thông báo tuyển dụng với những ngôn từ như: cách làm thoáng, thu nhập cao, nhanh, làm mọi lúc mọi nơi, phù hợp với sinh viên...”. Đây thực chất là những công ty đa cấp biến tướng. Nhiều nơi ép sinh viên muốn được tuyển dụng phải bỏ ra một khoản tiền để mua sản phẩm trước. Các bạn sinh viên ngoại tỉnh rất dễ bị lừa, đi vay tiền bạn bè hoặc xin tiền gia đình để bắt đầu công việc, sau đó cứ bị cuốn vào không thoát ra được”.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, bán hàng đa cấp là xu thế phát triển của nền kinh tế, trên thế giới có rất nhiều công ty uy tín, đàng hoàng. Thế nhưng, khi du nhập vào VN, nó bị biến tướng và tạo thành môi trường không lành mạnh, bị lên án do cách làm chưa đúng.
“Những công ty này đánh vô lòng tham của con người, nhất là những người cần tiền để trang trải cuộc sống, trong đó có sinh viên. Bạn trẻ cần tỉnh táo suy xét trước những thông tin tuyển dụng, phải tìm hiểu nguồn gốc công ty, tôn chỉ mục đích kinh doanh của họ, uy tín có được xã hội thừa nhận không... Không có công việc nào dễ dàng mà lại nhanh chóng có thu nhập cao cả”, ông Tuấn nhìn nhận.
Đặc biệt, ông Tuấn lưu ý, cách để dễ dàng nhận biết một công ty đa cấp biến tướng, đó là ứng viên phải bỏ ra một khoản tiền để mua sản phẩm, hoặc đóng tiền mới được nhận vào làm việc. Trên diễn đàn của sinh viên nhiều trường ĐH, lãnh đạo phòng công tác sinh viên hoặc phòng đào tạo cũng lên tiếng cảnh báo nhằm giúp sinh viên cảnh giác với những thông tin tuyển dụng như trên.
Bình luận (0)