Mỗi nơi trả một mức tiền công thử việc khác nhau?
Nguyễn Minh Thư, sinh viên năm 2, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể: “Hiện tại, mình đang làm thêm tại một cửa hàng tiện lợi. Tiền công mình nhận được lúc thử việc là 85% so với khi làm chính thức. Mình thấy như vậy là hợp lý. Trong khi đó 1 người bạn của mình xin làm công việc phục vụ bán thời gian, nhưng những ngày thử việc không có tiền. Vì vậy, mình khuyên bạn nên tìm công việc khác”.
Thư cho biết lý do khuyên bạn tìm chỗ khác là vì công việc phục vụ khá dễ, không cần phải hướng dẫn hay đào tạo nhiều nên khi thử việc ít nhất phải nhận được 50% tiền công. “Đi thực tập không lương mình còn có thể chấp nhận được. Thế nhưng, làm phục vụ mà thử việc không có tiền thì mình không làm”, Thư nói.
Từng đi xin việc làm thêm ở một nơi không có tiền công trong thời gian thử việc, sinh viên Trần Thị Nguyên, ngụ tại khu B ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, kể lại: “Lúc trước mình có xin làm phục vụ ở quán cà phê, tuy nhiên quản lý ở đó nói rằng trong thời gian thử việc sẽ không được trả tiền công. Mình có thỏa thuận mong sẽ nhận được 1 nửa mức tiền công so với khi làm chính thức. Tuy nhiên họ không đồng ý và nói rằng mình đòi hỏi, cho nên mình quyết định không làm nữa”.
Còn Đặng Anh Nhật, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thì cho biết đang làm thêm với công việc giao đồ ăn ở ký túc xá và được trả tiền công 25.000 đồng/giờ, còn lúc làm thử việc là 22.000 đồng.
Nguyễn Duy Hưng (25 tuổi), quản lý một quán cà phê trên đường Lý Thường Kiệt, Q.10 (TP.HCM), cho biết tiền công trả cho nhân viên thử việc hiện tại của quán bằng 85% so với mức tiền công khi làm chính thức. “Tiền công thử việc của nhân viên part time vẫn được trả theo quy định. Về thời gian thử việc thì từ 7 - 15 ngày, tùy vào khả năng làm quen với công việc nhanh hay chậm của mỗi người”, Hưng cho biết.
Còn V.T.A.H (29 tuổi), ngụ tại đường Vành đai, P.Đông Hòa, TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương), chủ một cửa hàng quần áo trong Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM, cho biết tiền công trả cho nhân viên trong thời gian thử việc bằng 50% khi làm chính thức. “Tiền công khi làm chính thức mình trả cho nhân viên là 120.000 đồng/6 tiếng đồng hồ, còn trong thời gian thử việc là 60.000 đồng. Công việc tuy nhẹ nhàng nhưng cần biết cách ăn nói, tư vấn và chọn đồ cho khách nên mình phải hướng dẫn nhiều”, H. cho biết.
Pháp luật quy định ra sao?
Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải, giảng viên Khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết: “Về mức lương thử việc đối với công việc bán thời gian, tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 được quy định như sau: Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Tuy nhiên, quan hệ thử việc chỉ được xác định khi có một hợp đồng thử việc hoặc thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động”.
Ông Hải cho biết về bản chất, người làm việc bán thời gian hay toàn thời gian thì đều có thể ký kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người khi làm việc bán thời gian không hề ký kết hợp đồng lao động hay hợp đồng thử việc. “Điều này có nghĩa, nếu không có thỏa thuận về hợp đồng làm việc bán thời gian, sẽ không thể áp dụng mức lương thử việc tối thiểu là 85%. Người sử dụng lao động hoàn toàn có thể thay đổi con số đó thấp hoặc cao hơn”, ông Hải nói.
Thế nhưng, nếu nơi làm thêm không trả tiền công thử việc thì phải xử lý thế nào? Ông Hải phân tích: “Trong trường hợp sinh viên và nơi làm thêm không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản thì sẽ không có căn cứ rõ ràng để yêu cầu được thanh toán tiền. Bởi vậy, để có căn cứ đòi lại tiền công, sinh viên cần chứng minh được mình đã có khoảng thời gian làm việc thực tế tại nơi đó. Bạn có thể nhờ đến sự làm chứng của những người làm cùng ca và lập thành văn bản. Sau đó, nộp giấy tờ này cho chủ quán để yêu cầu trả tiền".
Trường hợp sinh viên và nơi làm thêm ký hợp đồng lao động bằng văn bản thì có thể căn cứ vào hợp đồng để yêu cầu nơi làm thêm trả tiền công. Nếu nơi làm thêm không chịu trả thì có thể làm đơn khiếu kiện đến Sở LĐ-TB-XH để nhờ cơ quan này can thiệp và hòa giải. Nếu sự hòa giải này vẫn không mang lại kết quả, thì có thể khởi kiện đến Tòa án nhân dân”.
Ông Hải cũng thông tin thêm, khi làm công việc bán thời gian sinh viên vẫn được trả tiền công và phải chịu sự quản lý, giám sát của bên thuê lao động. Đồng thời, người làm việc bán thời gian bình đẳng về quyền và nghĩa vụ như người làm việc toàn thời gian. Cho nên sinh viên cần chủ động đề xuất ký hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi của mình.
“Sinh viên khi đi làm thêm cần tìm hiểu rõ về công việc, nơi mà mình muốn làm để tránh trường hợp bị lừa đảo. Khi phỏng vấn cần xác định rõ về phạm vi công việc; mức thu nhập và các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, sinh viên là đối tượng chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực lao động. Vì vậy cần tìm hiểu kỹ những quy định của pháp luật, phổ cập cho mình kiến thức về luật Lao động để đảm bảo quyền lợi khi bước chân vào thị trường lao động”, ông Hải chia sẻ.
Bình luận (0)