ĐH Bách khoa Hà Nội vừa thông báo tới sinh viên toàn trường về chính sách khuyến khích sinh viên đi xe buýt. Việc đi xe buýt sẽ được nhà trường dùng làm căn cứ đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên.
Không chỉ là giúp sinh viên tiết kiệm chi phí
Kèm với chính sách này, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã cung cấp cho sinh viên thông tin những lợi ích khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Theo đó, với từng sinh viên, việc đi xe buýt mang lại những lợi ích như rèn luyện thể chất (qua việc đi bộ đến điểm đỗ xe buýt và ngược lại), giúp tiết kiệm chi phí hiệu quả, rèn luyện thói quen đúng giờ.
Chẳng hạn, với những người chưa có phương tiện đi lại cá nhân, nếu sử dụng các dịch vụ như xe ôm công nghệ, taxi…, thì chi phí cho vài lần sử dụng các dịch vụ này đủ để sinh viên đi xe buýt cả tháng nếu mua vé tháng (vé này còn cho phép sử dụng không giới hạn đến những điểm mong muốn).
Về rèn luyện thói quen đúng giờ, thông báo của ĐH Bách khoa Hà Nội giải thích: "Những phương tiện công cộng như xe buýt hay tàu điện sẽ có khung giờ di chuyển nhất định. Khi sử dụng những phương tiện này, ta sẽ biết được thời gian di chuyển trong lộ trình của mình. Trung bình mỗi 20 - 30 phút sẽ có 1 chuyến xe buýt. Theo dõi thời gian xe đến giúp cho ta rèn thói quen đúng giờ để bắt kịp chuyến xe mình muốn, tới điểm cần đến theo đúng kế hoạch".
Đóng góp của sinh viên cho môi trường và xã hội khi đi xe buýt được thể hiện qua các khía cạnh như góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tình trạng khói bụi từ các phương tiện xe máy, ô tô cá nhân.
Đặc biệt, sinh viên có thể giúp giảm ùn tắc giao thông đô thị qua việc sử dụng xe buýt do xe buýt vận chuyển được nhiều hành khách một lúc. So với những phương tiện cá nhân khác như xe máy, xe ô tô, người đi bằng xe buýt có diện tích chiếm dụng thấp (tính theo đầu người). Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là một trong những giải pháp căn cơ trong lĩnh vực quản lý đô thị để kiểm soát, hạn chế phương tiện cá nhân, tiến tới kéo giảm ùn tắc giao thông.
Sinh viên dễ dàng đạt 11 điểm rèn luyện nhờ đi xe buýt
Theo PGS Phạm Thanh Huyền, Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, Bộ GD-ĐT quy định, đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên là một yêu cầu bắt buộc trong quy chế công tác sinh viên. ĐH Bách khoa Hà Nội quy định điểm rèn luyện được đánh giá bằng thang điểm 100 và được xếp loại theo 6 mức: xuất sắc (90 đến 100 điểm), tốt (80 đến dưới 90 điểm), khá (từ 65 đến dưới 80 điểm), trung bình (từ 50 đến dưới 65 điểm), yếu (từ 35 đến dưới 50 điểm), kém (dưới 35 điểm).
Mỗi học kỳ, các đơn vị của ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức trung bình khoảng 300 hoạt động khác nhau. Do đó, mỗi sinh viên đều có cơ hội đạt được ít nhất 65 điểm rèn luyện thông qua việc tham gia các hoạt động phù hợp với bản thân mình.
Với việc thường xuyên sử dụng xe buýt, sinh viên dễ dàng đạt 11 điểm rèn luyện nhờ đáp ứng 3 tiêu chí: tham gia tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của nơi cư trú, quy định và quy chế của nhà trường được địa phương, nhà trường công nhận (4 điểm); tham gia giữ gìn an ninh - trật tự, bảo vệ sinh cảnh quan - môi trường, nếp sống văn minh nơi công cộng, quảng bá hình ảnh đẹp của nhà trường được địa phương, nhà trường công nhận (4 điểm); tham gia các hoạt động phổ biến, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương, văn hóa trường học… (3 điểm).
Cũng theo PGS Phạm Thanh Huyền, nhà trường sẽ tạo điều kiện tối đa trong việc giúp sinh viên làm thủ tục mua vé tháng xe buýt. Các em chỉ cần mang ảnh thẻ lên phòng P103 nhà C1 giờ hành chính, lúc nào cũng có cán bộ ở đó cấp giấy xác nhận để làm vé tháng xe buýt.
Thông tin các tuyến xe buýt đi qua khu vực ĐH Bách khoa Hà Nội
(gồm 17 tuyến)
Điểm dừng cổng parabol Giải Phóng: tuyến số 03A BX Giáp Bát - BX Gia Lâm, Hà Nội; tuyến số 21A BX Giáp Bát - BX Yên Nghĩa, Hà Nội; tuyến số 21B KĐT Pháp Vân- BX Mỹ Đình; tuyến số 25 BX Giáp Bát - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, Hà Nội; tuyến số 26 Mai Động - SVĐ Mỹ Đình, Hà Nội; tuyến số 32 BX Giáp Bát - Nhổn, Hà Nội; tuyến số 41 Nghi Tàm - BX Giáp Bát, Hà Nội; tuyến số 28 bến xe Nước ngầm - ĐH Mỏ; tuyến số 08B Long Biên - Vạn Phúc (Thanh Trì), Hà Nội.
Điểm dừng cổng Đại Cồ Việt: tuyến số 35A Trần Khánh Dư - BX Nam Thăng Long, Hà Nội; tuyến số 44 Trần Khánh Dư - BX Mỹ Đình, Hà Nội; tuyến số 51 Trần Khánh Dư - công viên Cầu Giấy.
Điểm dừng đối diện sân vận động Bách khoa: tuyến số 08A Long Biên - Đông Mỹ, Hà Nội; tuyến số 31 Bách Khoa - ĐH Mỏ, Hà Nội; tuyến số 26 Mai Động - SVĐ Mỹ Đình, Hà Nội.
Điểm dừng ký túc xá ĐH Bách khoa và khu vực xung quanh: tuyến số 23 Nguyễn Công Trứ - Nguyễn Công Trứ; tuyến số 47B Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - Kiêu Kỵ (Gia Lâm), Hà Nội.
(Tổng hợp: Ban Công tác sinh viên, ĐH Bách khoa Hà Nội)
Bình luận (0)