Sinh viên Harvard mới ra trường cũng thất nghiệp!

16/11/2016 10:59 GMT+7

Theo Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, việc sinh viên mới ra trường thất nghiệp là chuyện không chỉ ở Việt Nam mà ngay trường hàng đầu thế giới như Đại học Harvard cũng có tình trạng này.

Sáng 16.11, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội sau 7 tháng nhậm chức.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Thị Minh (Quảng Trị) về giải pháp để hạn chế tình trạng số lượng lớn sinh viên đại học vẫn sau khi ra trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói ông rất trăn trở trước thực tế này, vì một trong những sứ mệnh của đào tạo đại học là để người học tìm được việc làm.

"Tuy nhiên, việc sinh viên không tìm được việc làm ngay thì đại học Harvard cũng có. Bởi các em cần phải có thời gian tiếp cận thực tiễn, đào tạo bổ sung để tiếp cận thị trường lao động", Bộ trưởng GD-ĐT chia sẻ.

Bộ trưởng cho hay, hiện mỗi năm có khoảng 300.000 sinh viên đại học ra trường, và tổng hợp báo cáo từ các trường thì số tìm được việc làm ngay chiếm khoảng 80%. Do đó, nếu tính khoảng 5 năm trở lại đây, con số gần 200.000 sinh viên vẫn chưa có việc làm mà đại biểu Quốc hội phản ánh là có cơ sở.

Tuy nhiên, phần lớn số chưa có việc làm đến từ các trường đại học mới thành lập, thuộc top có chất lượng thấp. Do vậy, theo Tư lệnh ngành Giáo dục, một trong những giải pháp cần được tính tới là hạn chế việc thành lập các trường đại học ở địa phương.

"Đã là sinh viên đại học thì không nhất thiết phải học gần nhà. Tới đây quy hoạch mạng lưới trường đại học, chúng tôi cho rằng chỉ tập trung ở T.Ư, hoặc các trường trung tâm của vùng miền, chứ không nên ở địa phương vì sẽ phân tán, số lượng người học ít", Bộ trưởng nói.

Hoặc một cách làm mới mà ông Nhạ dẫn ví dụ là tại một số địa phương đã áp dụng cách nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo đại học mới bằng việc làm phân hiệu của các đại học top đầu. "Ví dụ như đại học An Giang, họ chọn cách làm phân hiệu của ĐH Quốc gia TP HCM", Bộ trưởng dẫn chứng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.