Đừng lo lắng, hãy lắng nghe bằng…mắt!
“Người khiếm thính không nghe được, vậy làm thế nào để các bạn ấy hiểu đúng, hiểu rõ về dịch Covid-19 khi đại dịch nguy hiểm này đang lan khắp các châu lục. Nhưng các bạn đừng lo lắng và hãy lắng nghe bằng mắt trong video dành riêng cho cộng đồng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu”. Thông điệp mở màn về bộ sản phẩm video đặc biệt đính kèm cùng một video
truyền thông phòng dịch Covid-19 trên trang
Facebook của Trường đại học Công nghệ và truyền thông Thái Nguyên sau khi đăng tải đã có đến trên 5.000 lượt xem, 148 chia sẻ và hàng trăm người bấm like, thả "tim" tán thưởng, bày tỏ sự ủng hộ.
Đây là sản phẩm truyền thông đặc biết ý nghĩa mà sinh viên,
giảng viên Khoa Truyền thông đa phương tiện công phu thực hiện trong nhiều ngày liên tục, có sự đồng hành của cô Vũ Thu Phương, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường Giáo dục và hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên. Dựa theo kịch bản, cô Phương trực tiếp phiên dịch, chuyển ngữ toàn bộ thông điệp phòng dịch Covid-19 sang ngôn ngữ ký hiệu để thực hiện các cảnh quay video.
Cá nhân cô Phương cũng khá bất ngờ khi nhận được lời đề nghị hợp tác của cán bộ, giảng viên Trường đại học Công nghệ và truyền thông Thái Nguyên để thực hiện seri video truyền thông phòng dịch Covid-19. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, dịch bệnh Covid-19 là chủ đề được nhắc đến liên tục, hàng ngày để mọi người nâng cao cảnh giác. Những người khiếm thính thì không nghe được để thông tin về dịch bệnh đến với họ là vô cùng khó khăn.
“
Ý tưởng về một bộ sản phẩm video truyền thông về dịch Covid-10 có người dẫn chương trình thuyết minh, phiên dịch bằng ngôn ngữ ký hiệu này là sản phẩm có ý nghĩa thiết thực và nhân văn dành cho cộng đồng người khiếm thính”, cô Phương nói.
Có thêm phiên bản tiếng Lào, tiếng Thái
6 video truyền thông dịch Covid-19 gồm các chủ đề: Virus Covid-19 và cách phòng trừ; Cơ chế lây nhiễm bệnh viêm phổi đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona; Phân biệt cúm thường và bệnh Covid-19; Cần làm gì sau khi tiếp xúc với người nghi nhiễm Corona; Ăn gì để phòng chống Covid-19; Hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng cách.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Anh, thành công với phiên bản ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính, nhóm sinh viên sản xuất thêm các phiên bản bằng ngôn ngữ tiếng Lào, tiếng Thái. “Phiên bản bằng tiếng Lào trước hết dành riêng cho cộng đồng sinh viên Lào đang học tại trường. Sau đó, qua các tài khoản Facebook của những sinh viên này, sản phẩm video phòng dịch Covid-19 của chúng tôi sẽ tiếp tục được “xuất khẩu” đến với cộng đồng xã hội người Lào”, bà Hải Anh hào hứng chia sẻ.
Để đảm bảo ngôn ngữ tiếng Lào sử dụng thực sự chuẩn mực và chính xác, sản phẩm này đang được Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên liên hệ, gửi đến Đại sứ quán Lào tại Việt Nam cùng phối hợp hiệu chỉnh trước khi phát hành rộng rãi.
|
Theo cô Phương, ngay từ những video đầu tiên đăng tải trên Facebook cá nhân, ngoài hàng trăm like, comment, hàng chục lượt share, điện thoại cũng liên tục nhận được tin nhắn cảm ơn của học sinh khiếm thính lẫn phụ huynh. Để thẩm định một lần nữa về chất lượng sản phẩm, cô Phương trực tiếp hỏi ý kiến, phỏng vấn rất nhiều người trong cộng đồng khiếm thính, để xem họ có thực sự hiểu được nội dung trong video hay không. Câu trả lời nhận lại ngoài những cử chỉ gật đầu còn có “ok nhé cô”, “hay quá cô Phương”, “mong cô có nhiều video như thế để giúp đỡ người điếc hiểu và tiếp cận được với xã hội”.
Giúp người khiếm thính phòng dịch Covid-19
Trao đổi với
Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hải Anh, Phó trưởng Khoa Truyền thông đa phương tiện, Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên, chia sẻ ngay trong đợt đầu tiên Việt Nam phát hiện 16 người nhiễm dịch Covid-19, Ban Giám hiệu trường đã có ý tưởng thực hiện các sản phẩm truyền thông phòng chống dịch trong cộng đồng gắn với đặc thù, chuyên môn đạo tạo của nhà trường, vừa là hành động thiết thực hưởng ứng tinh thần “
cả nước chung tay chống giặc Covid-19”.
Cũng theo bà Hải Anh, nếu làm cho đối tượng tiếp nhận là người bình thường thì không khó để sản xuất các video này khi tài liệu, thông tin về dịch bệnh Covid-19 được cung cấp đầy đủ từ các cơ quan y tế. Nhưng khi làm sản phẩm cho người khiếm thính thì toàn bộ kịch bản đều phải xây dựng lại. Nhóm
sinh viên quay phim, dựng phim và người dẫn chương trình bằng ngôn ngữ ký hiệu phải phối hợp làm việc một cách tỉ mỉ, chi tiết hơn để ghi hình, biên tập lại các video.
Nhóm sinh viên tham gia sản xuất video truyền thông dịch Covid-19 cho người khiếm thính
|
“Nhóm cộng đồng người khiếm thính thì không nghe được và khi chúng tôi tìm hiểu thì gần như chưa đơn vị nào có sản phẩm truyền thông dịch bệnh dành riêng cho họ nên cả nhóm quyết tâm làm các video có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu.
Sản phẩm này giúp họ có thể tiếp cận dễ dàng các thông tin, kỹ năng phòng dịch Covid-19, bảo vệ an toàn cho bản thân”, bà Hải Anh nói.
Điều hạnh phúc nhất là ngay từ những sản phẩm đầu tiên đưa lên Facebook nhà trường, lan toả đến các Fanpage dành cho
người khiếm thính, cơ sở giáo dục có học sinh, sinh viên khiếm thính… đều được đón nhận nồng nhiệt.
"Chiến dịch truyền thông lần này cũng hưởng ứng tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau trong dịch Covid-19" và sinh viên của chúng tôi vừa được ứng dụng, thực hành kỹ năng được đào tạo để sản xuất những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng người khiếm thính phòng ngừa, ứng phó với dịch Covid-19", bà Hải Anh nói.
Bình luận (0)