“Gắng học đi, ở nhà bố lo được…”
Những giọt nước mắt, những cuộc gọi không dám dập máy khi chưa có người phản hồi ở đầu dây bên kia, những tin nhắn gửi về nhà liên tục với mong ước nghe được tin người thân bình yên qua từng khắc, từng giờ… là những gì mà sinh viên miền Trung xa nhà lần đầu ngay mùa lũ dữ đã làm. Dịch Covid-19 khiến hành trình đến với giảng đường của các sinh viên này vô cùng trắc trở, nay lũ lụt, thiên tai một lần nữa là thử thách buộc các bạn phải vượt qua.
|
Không muốn đứa con trai xa quê lần đầu phải lo lắng quá nhiều, bố mẹ Linh quyết không tiết lộ những thiệt hại và tổn thương mà gia đình đang đối mặt.
Nhưng với thông tin hỏi được từ những người xung quanh, rằng: “Trận lũ năm 2010 nước lên cao 1m70, năm nay tăng thêm 30cm”, Linh tự biết rằng để vượt qua được trận lũ năm nay cũng không dễ dàng gì.
10 năm trôi qua nhưng Linh vẫn còn nhớ rất rõ những gì đã trải qua với trận lũ năm 2010: “Năm đó mình phải đi trú ở trường tiểu học để bảo vệ đàn gia súc của nhà. Ở đó, mình và mấy đứa bạn phải ăn mì gói và uống nước mưa để cầm cự qua ngày. Hai ngày sau nước rút, mình mới về nhà. Về đến thì thấy hai con heo ở nhà chết do ngập nước, máy móc, đồ làm việc đều ngập hết… Đó là những ngày mà cả đời mình không thể nào quên”.
Do đó, khi nghe tin năm nay, lũ lại một lần nữa vào quê hương Quảng Bình, Linh bộc bạch: “Mình không ngủ được. Lúc gọi về nhà là mình rơi nước mắt, không biết ở nhà thế nào trong khi tin tức cứ báo là lũ ngày một lên cao”.
Dù bố mẹ không chia sẻ nhiều nhưng Linh biết những thiệt hại về tài sản là điều không thể tránh khỏi.
Tham gia cứu trợ quê nhà
Uyển Nhi (quê ở Quảng Trị), hiện theo học năm đầu tiên tại khoa báo chí Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Do đã quen với việc lũ vào hàng năm nên nhà mình đã xây lên cao. Nhờ vậy mà năm nay nước không tràn vô được tới nhà”. Cũng nhờ được nâng lên cao mà trong những ngày đỉnh lũ, nhà của Nhi trở thành nơi trú ngụ của hai hộ dân gần đó.
Khi nước lũ đã rút, Nhi điện về thăm nhà thì được biết nương vườn, đường sá bây giờ hoang tàn và bị phủ một lớp bùn non.
|
Hoàng Lan, sinh viên năm nhất khoa Hàn Quốc học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cũng đến từ Quảng Trị. Dù đã quen với việc quê hương miền Trung thường xuyên hứng chịu thiên tai, bão lũ nhưng do lần đầu xa nhà, lại thêm thông tin đây là trận lũ có cường độ và mức độ gây thiệt hại khủng khiếp, Lan không khỏi bật khóc mỗi khi gọi về nhà. “Nhà mình chỉ có 4 người. Anh hai và mình hiện tại đều đang theo học ở TP.HCM. Ba mình là bộ đội nên đi trực lũ suốt. Có một mình mẹ mình ở nhà. Mất điện nhiều ngày liên tiếp, không biết mẹ mình xoay sở ra sao. Mình lo lắm mà không biết làm gì, cứ khóc suốt thôi”.
Dù sống xa quê nhưng Hoàng Lan một lòng hướng về miền Trung ruột thịt. Không chỉ tham gia quyên góp, Hoàng Lan còn tích cực kêu gọi mọi người trong các câu lạc bộ đội, nhóm ủng hộ miền Trung, với hy vọng quê nhà sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, trở lại cuộc sống bình thường.
Bình luận (0)