Sinh viên ngành y ‘chạy’ ngày đêm hỗ trợ F0 tại nhà

10/12/2021 10:40 GMT+7

Dịch Covid-19 vẫn âm ỉ, sinh viên ngành y ở TP.Cần Thơ không ngại gian khó để hỗ trợ F0 khi họ cần sự trợ giúp từ lực lượng y tế.

Trong bối cảnh Cần Thơ đang dồn sức chống dịch, để giảm gánh nặng cho lực lượng y tế tại bệnh viện, nhiều sinh viên ngành y đã tham gia vào đội y tế lưu động, đến tận nhà hỗ trợ F0 bất kể ngày đêm.

Sinh viên ngành y tham gia vào đội y tế lưu động, hỗ trợ F0 tại nhà

D.Chi

“Lên đồ” bảo hộ, vượt đường đến nhà F0

Kết thúc ngày làm nhiệm vụ, Lê Hồng Phúc (sinh viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ) đến nơi tập kết dành cho đội y tế lưu động để ở lại. “Đóng quân” ở P.An Bình (Q.Ninh Kiều, Cần Thơ), mỗi ngày Phúc sẽ nhận danh sách F0, liên hệ với bệnh nhân để thẩm định tình trạng sức khỏe.

Kê đơn thuốc, giải đáp thắc mắc, làm thủ tục giấy tờ, đến lấy mẫu định kỳ cho F0 vào 2 ngày cố định, đồng thời lấy mẫu F1 sống chung F0 là một trong những việc đội y tế lưu động thực hiện. Số lượng công việc nhiều nhưng nhân lực không đủ, Phúc và đồng đội còn chủ động hỗ trợ thêm nhiều việc khác.

Với những bệnh nhân diễn tiến nặng thì đội sẽ đến nhà để cấp cứu sơ bộ, sau đó tùy tình trạng để quyết định chuyển vào bệnh viện hay không. Theo lời kể của Phúc, hầu hết ca cấp cứu đều diễn ra vào khung giờ nửa đêm và đội phải di chuyển ngay lập tức.

Phúc đã tham gia 3 đợt hỗ trợ chống dịch khi trường phát động

H.Phúc

“Báo động đến đội y tế, xin xe cấp cứu và nhanh chóng cử một người xuống nhà F0 lấy sinh hiệu báo cáo về. 5 phút sau sẽ có người mang bình oxy xuống để 'hờ' cần thì dùng. Đồng thời, đội sẽ xin ý kiến bác sĩ, trấn an bệnh nhân và nếu nặng thì chuyển lên xe vào viện”, Phúc kể.

Học cùng lớp với Phúc, Nguyễn Hồ Dao Chi tham gia hỗ trợ từ tháng 11 ở P.Cái Khế (Q.Ninh Kiều, Cần Thơ). Mỗi ngày, bắt đầu nhiệm vụ lúc hơn 7 giờ, kết thúc vào 17 giờ, Dao Chi gọi điện thoại cho F0 để hỏi thăm sức khỏe, làm hồ sơ, xử trí những ca cấp cứu… Ngoài ra, cô còn tư vấn sức khỏe cho F0 qua điện thoại đến hơn 20 giờ.

“Điện thoại luôn bật chuông để bệnh nhân gọi khi cần, nhiều đêm mệt lả đi nhưng tôi và đồng đội lại tỉnh như sáo khi có ca cấp cứu. Lúc nào chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn đồ bảo hộ, bình oxy và 'lên đồ' nhanh nhất có thể để đến nhà F0”, Dao Chi kể.

Những giây phút vui chơi hiếm hoi của chàng sinh viên ngành y

H.Phúc

“Bệnh nhân xảy ra chuyện gì, chúng tôi day dứt cả đời”

Trước khi "ra quân", Phúc và Chi đều được nhà trường tập huấn kỹ để bảo vệ an toàn cho mình. Bên cạnh đó, phường cũng cung cấp đầy đủ đồ bảo hộ cho lực lượng chống dịch nên cả hai khá an tâm.

Nhớ về câu chuyện cấp cứu F0 lúc 3 giờ sáng của bạn mình, Phúc kể: “Cô ấy một mình xuống nhà F0 dù không rõ địa chỉ, tự kéo lê bình oxy từ cổng vào nhà bệnh nhân do người đồng hành đi vội, chưa kịp mặc đồ bảo hộ, sợ nguy hiểm nếu vào chung. Nhìn thấy chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) của bệnh nhân chỉ hơn 50, bạn tự trách vì đã đến trễ, bảo rằng nếu bệnh nhân gặp chuyện không may sẽ ám ảnh và day dứt cả đời”.

Cấp cứu F0 nửa đêm là chuyện thường xảy ra

D.Chi

Ngoài ra, Phúc còn có những chuyện bi hài như SpO2 của mình tuột còn 94% thấp hơn cả F0, mạch F0 ổn định nhưng người đồng hành cấp cứu “nhảy vọt” 120 nhịp/phút. Đó là khi lực lượng y tế lo lắng cho sức khỏe bệnh nhân hơn cả chính họ.

Hỗ trợ F0 tại nhà, Dao Chi nhận thấy tâm lý bệnh nhân thoải mái hơn khi không phải cách ly tập trung, giảm gánh nặng cho bệnh viện nhưng dễ lây nhiễm chéo cho người thân. “Với những phường có ca dương tính thì lực lượng y tế nên được tăng cường. Đây là cách để mọi người không quá tải công việc, F0 cũng được hỗ trợ tốt hơn”, Chi gợi ý.

Còn Phúc tâm sự: “Dịch bệnh còn đó, sinh viên ngành y như chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc, chỉ mong sớm được kiểm soát để mọi người đón tết bình an và đoàn viên”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.