Đều chung chí hướng khi muốn góp sức mình vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh, nhiều bạn trẻ tuổi đôi mươi không ngại gian khó khi có mặt ở mọi ngõ ngách TP.HCM hay di chuyển về miền Tây để cùng truy vết F0.
Trưởng thành hơn khi đi tình nguyện
Tham gia chống dịch từ tháng 7, Nguyễn Anh Quân (19 tuổi, ngụ P.4, Q.8, TP.HCM) trải qua đủ các nhiệm vụ khi vừa tham gia trực chốt phong tỏa, truy vết F0 tại Q.8 và Q.10, hỗ trợ Bệnh viện dã chiến thu dung số 16… Vừa qua, Quân cũng có mặt ở Sóc Trăng để hỗ trợ địa phương này.
Ngày quyết định trở thành tình nguyện viên chống dịch, mẹ Quân lo sợ sức khỏe con trai nên không nỡ cho đi. Quân phải nhờ bố mở lời “năn nỉ” giúp. 5 tháng trôi qua, anh có cả kho tàng kỷ niệm đẹp chào đón tuổi đôi mươi.
Lần về H.Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) cuối tháng 10 để hỗ trợ truy vết F0, nhiều hôm nhóm của Quân làm nhiệm vụ lúc nửa đêm, thứ ánh sáng le lói là từ chiếc đèn pin hay ánh sáng hắt ra từ nhà dân.
Anh Quân (phải) trong lần đi hỗ trợ ở tỉnh Sóc Trăng |
NVCC |
Về miền Tây, Quân thường xuyên được người dân tặng trái cây làm quà. Chính sự hào sảng của bà con đã giúp anh quên hết mệt mỏi. Thế là Quân bàn bạc cùng vài người bạn chung nhóm góp tiền mua những phần quà nhỏ gửi tặng lại người dân khó khăn ở đây.
“Lần đó, tôi cùng đồng đội đi lấy mẫu, thấy nhà dân có chiếc xuồng nên xin xuống chụp vài bức ảnh. Do không giữ được thăng bằng nên xuồng rung lắc dữ quá, 2 đứa hết hồn tưởng té xuống sông rồi”, Quân kể.
Lúc đấy, tôi nghĩ là mình cần cố gắng và trách nhiệm hơn, phải sớm hoàn thiện kỹ năng, kiến thức chuyên môn, lâm sàng và cả khả năng giao tiếp của mình. Nếu không có lời động viên đó thì tôi vẫn sẽ lo sợ và không làm được tới hôm nay.
Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM)
Không chỉ có thêm những người bạn hay câu chuyện đẹp, Quân nhận ra bản thân trưởng thành hơn sau khi đi tình nguyện. Anh biết chăm sóc và động viên bệnh nhân, linh động trong xử lý tình huống đến khuân vác, bưng bê đồ đạc.
“Tôi là người Cần Thơ nên được về miền Tây hỗ trợ chống dịch là cách mà tôi trả ơn cho quê hương của mình”, Quân chia sẻ.
Lấy mẫu, trực chốt…Quân đều thuần thục |
Tuổi đôi mươi đẹp hơn, nếu…
Còn Nguyễn Thị Huyền Trang, sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, hiện đang làm nhiệm vụ lấy mẫu cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 3. Đây được xem là công việc khá nguy hiểm vì tiếp xúc trực tiếp với F0. Do đó, Trang phải cẩn trọng gấp trăm lần để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân lẫn bản thân, gia đình và đồng đội.
Huyền Trang đang tham gia hỗ trợ ở Bệnh viện dã chiến số 3 |
4 tháng hỗ trợ chống dịch ở TP.HCM, Trang chưa từng chùn bước dù là nhiệm vụ khó hay dễ. Cho rằng bản thân đang học ngành sức khỏe nên cô càng phải làm tốt và cống hiến sức trẻ khi xã hội cần.
Bố mẹ ủng hộ và cổ vũ hết mình khi thấy con gái hỗ trợ cộng đồng khiến Trang mạnh mẽ hơn. Cô gái trẻ học được cách bảo vệ bản thân, chăm sóc tốt cho mình mới có thể bảo vệ và chăm sóc tốt cho đồng đội, đồng nghiệp hay mọi người xung quanh. Đây cũng là nhiệm vụ mà tình nguyện viên “hứa phải làm tốt” trước khi chinh chiến ở các bệnh viện dã chiến.
Quân cùng đồng đội góp tiền mua quà gửi tặng bà con khó khăn ở tỉnh Sóc Trăng |
Lần đầu tiên tham gia hỗ trợ lấy mẫu, vì sợ bệnh nhân đau nên Trang cứ ngần ngại. Câu nói: “Bác không đau đâu, con phải làm thì sau này mới giúp được các bệnh nhân khác” của một bệnh nhân khiến Trang tự tin hơn.
“Lúc đấy, tôi nghĩ mình cần cố gắng và trách nhiệm hơn, phải sớm hoàn thiện kỹ năng, kiến thức chuyên môn, lâm sàng và cả khả năng giao tiếp của mình. Nếu không có lời động viên đó thì tôi vẫn sẽ lo sợ và không làm được tới hôm nay”, Trang nhớ lại.
Ở bệnh viện dã chiến, nữ sinh viên ngành y vẫn miệt mài hỗ trợ bệnh nhân. Đây cũng chính là tinh thần và nhiệt huyết của các tình nguyện viên lúc này. “Chúng tôi sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần. Tuổi đôi mươi của tôi sẽ đẹp hơn nếu được giúp ích cho cộng đồng”, Trang nói.
Bình luận (0)