“Mỗi lần mua vé như sắp có biến cố”
Trương Thị Tuyết Mai, sinh viên (SV) năm 4 Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết cứ mỗi năm đến mùa mua vé tết rất cực khổ. Tuyết Mai phải săn vé tết từ rất sớm, rơi vào khoảng tầm tháng 10. SV nào cũng canh đúng ngày mở bán vé nhưng vẫn không mua được vé. Đây là trường hợp trường cho nghỉ trễ, nếu muốn mua được vé về sớm khoảng ngày 21 - 22 âm lịch thì phải bắt buộc nghỉ học sớm.
Còn Phạm Thị Trinh, SV năm nhất Trường ĐH Sài Gòn, cho hay: “Tết này tôi về quê ở Huế, một quãng đường khá xa. Nghe được kinh nghiệm và lời khuyên từ các anh chị khóa trước nên tôi đã đặt vé từ hơn 1 tháng. Giá vé với SV tụi tôi là khá cao, gấp đôi bình thường. Riêng tôi thì đã mua được vé. Còn rất nhiều bạn đến thời điểm hiện tại vẫn chưa mua được”. Khác với Trinh, Hà Trương (24 tuổi), SV Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, kể: Mỗi dịp tết đến đều chọn tàu để làm phương tiện về quê. Khó khăn lớn nhất của Trương là giá vé tàu tết cao hơn ngày thường rất nhiều nhưng chất lượng tàu thì ngược lại. Một giường nằm chia thành ba vị trí ngồi và bán với giá ghế mềm điều hòa. Tuy vậy, điều quan trọng nhất là việc “săn vé”. Thậm chí, vé tết vừa mới xuất hiện trên trang Đường sắt VN đã hết ngay lập tức nên không thể nào mua được. Cho đến giờ Trương vẫn cố gắng tìm nhiều cách mua vé về quê.
Càng trễ càng khó muaNguyễn Huy Phúc (23 tuổi), trợ lý tại Công ty KPGM VN, kể: “Các năm trước còn là SV nên thường có thể nghỉ để về quê rất sớm, vì vậy việc mua vé tàu cũng khá rẻ. Tuy nhiên sau khi bắt đầu đi làm thì đến gần 27 - 28 tết mới có thể được nghỉ, việc mua vé trở nên khó hơn rất nhiều. Phải canh mua vé từ sớm, dù đã mua trước 4 tháng nhưng cũng chỉ mua được vé ngồi chuyển đổi. Nhưng vé ngồi mềm chuyển đổi rất khó chịu, 8 người trong một phòng, nhiều khi duỗi chân cũng không được. Nhưng đi xe khách thì không an tâm vì cận kề tết tình hình giao thông khá phức tạp, còn vé máy bay thì quá cao so với vé tàu”.
|
“Mỗi lần mua vé tàu tết như sắp có biến cố lớn xảy ra. Vừa nhận được lịch nghỉ tết là lo đặt ngay, nhưng vé vẫn cháy, chắc ai cũng chờ lịch nghỉ là đặt vé liền. Vé tàu lúc này nhiều khi còn cao hơn vé máy bay. Giá vé gần bằng tháng lương bán thời gian của SV”, Phan Nhật Khoa (19 tuổi), SV năm 2 Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, nói.
Giảm 30% giá vé cho HS-SV
Đại diện Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, mỗi năm ngành đường sắt luôn có chương trình hỗ trợ, giảm giá vé cho đối tượng là HS-SV. Theo đó, các chuyến tàu số chẵn xuất phát từ ga Sài Gòn đi Hà Nội từ ngày 1.11 đến ngày 15.1; các chuyến tàu số lẻ xuất phát từ ga Hà Nội về ga Sài Gòn từ ngày 6.2 đến ngày 16.2 sẽ được giảm đến 30% cho đối tượng HS-SV. Ngoài ra, ngành đường sắt cũng sẽ giảm 10% cho HS-SV trong những ngày khác.
Về việc mua vé, đại diện này cho hay HS-SV có thể mua vé bằng nhiều hình thức: mua vé qua mạng, đến trực tiếp ga Sài Gòn hoặc thông qua các đại lý được ngành đường sắt ủy nhiệm. Để mua vé được thuận tiện các bạn trẻ hãy truy cập vào website https://dsvn.vn, http://vetau.com.vn hoặc gọi qua tổng đài với số 19001520 để mua vé.
Theo ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn, hiện nay còn khoảng 22.800 chỗ xuất phát tại ga Sài Gòn, Biên Hòa đến ga Nha Trang, Hà Nội thời gian trước tết từ ngày 14.1.2020 đến 23.1.2020 (tức ngày 20 đến 29 tháng 12 âm lịch). Còn khoảng 68.400 chỗ xuất phát tại ga Hà Nội đến Nha Trang, Biên Hòa và Sài Gòn vào thời gian sau tết từ ngày 28.1.2020 đến 9.2.2020 (tức mùng 4 đến 16 tháng 1 âm lịch). Bên cạnh đó, số chỗ còn thường xuyên biến động do hành khách đặt giữ chỗ mà không thanh toán hoặc trả lại vé trong các ngày cao điểm đi dịp tết.
Về vấn đề chia vé giường nằm thành ba vị trí ngồi và bán với giá ghế mềm, ông Tuấn cho biết việc này đã được Bộ GTVT thông qua để giải quyết tình trạng quá tải trong dịp tết.
Bình luận (0)