Sinh viên sư phạm bị nợ sinh hoạt phí nhiều tỉ đồng: Cần điều chỉnh nghị định

Hà Ánh
Hà Ánh
15/08/2023 07:34 GMT+7

Việc cấp bù học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm được kỳ vọng là tín hiệu tích cực để thu hút người giỏi vào sư phạm. Nhưng chỉ sau 2 năm thực hiện, chính sách mới này đang bị vướng liên quan kinh phí thực hiện.

Có những địa phương buộc phải chủ động cắt giảm chỉ tiêu đào tạo do kinh phí không cân đối được.

LÚNG TÚNG, BẤT CẬP TRONG TUYỂN SINH

Báo cáo của Bộ GD-ĐT gửi Thủ tướng về việc triển khai Nghị định 116 đã chỉ rõ những nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có khó khăn trong xây dựng dự toán ngân sách và cấp kinh phí.

Trong năm 2021, nhiều địa phương chưa lập được kế hoạch và dự trù kinh phí triển khai nên phải đề xuất bổ sung ngân sách chi trả cho đào tạo giáo viên của địa phương từ nguồn ngân sách T.Ư. Quá trình xử lý kéo dài không chỉ ảnh hưởng việc chi trả kinh phí cho các sinh viên (SV) đang theo học mà còn nảy sinh những bất cập ảnh hưởng việc tuyển sinh sắp tới.

Một ví dụ về sự bất cập trong triển khai Nghị định 116 được thấy rõ trong thực tế của Thanh Hóa. Năm 2021, ngay khi nghị định có hiệu lực, địa phương này đã ban hành văn bản giao 1.412 chỉ tiêu tuyển sinh theo nghị định cho 2 trường (Trường ĐH Hồng Đức và Trường ĐH Văn hóa, Thể thao, Du lịch Thanh Hóa). Năm 2022, địa phương này tiếp tục giao nhiệm vụ đào tạo thêm 1.533 SV cho 2 trường trên. Nhưng vì không đủ nguồn kinh phí đảm bảo chi cấp bù học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cho toàn bộ số SV trên nên địa phương đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT báo cáo Thủ tướng xem xét hỗ trợ kinh phí hơn 87,2 tỉ đồng cho SV khóa 2021 và 2022. Lý do được Thanh Hóa nêu trong văn bản cho biết số lượng SV hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh rất lớn nên dù đã sắp xếp các nguồn thu hiện có, ngân sách của tỉnh hiện không cân đối được nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện chính sách Nghị định 116.

Sinh viên sư phạm bị nợ sinh hoạt phí nhiều tỉ đồng: Cần điều chỉnh nghị định  - Ảnh 1.

Sinh viên sư phạm đang được hưởng chính sách cấp sinh hoạt phí hằng tháng theo Nghị định 116

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bất cập còn kéo dài khi khó khăn năm cũ chưa được giải quyết nhưng các trường phải triển khai kế hoạch năm học mới. Trên cơ sở nhu cầu tuyển SV sư phạm trên địa bàn tỉnh, năm 2023 UBND tỉnh Thanh Hóa dự kiến giao chỉ tiêu tuyển theo Nghị định 116 cho 2 trường ĐH trên là 1.533 SV. Để thực hiện được việc này, địa phương tiếp tục có văn bản kiến nghị lên Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT về việc hỗ trợ kinh phí. Nhưng trong công văn trả lời Thanh Hóa ngày 20.6, Bộ GD-ĐT cho rằng tiền hỗ trợ nói trên do địa phương tự đảm bảo. Trường hợp địa phương khó khăn chưa cân đối được kinh phí thì báo cáo Bộ Tài chính để thẩm định, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ. Đến ngày 5.7, Thủ tướng Chính phủ có văn bản giải quyết các kiến nghị của các địa phương, phần liên quan tiến độ xử lý của Bộ Tài chính đối với đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa về hỗ trợ kinh phí nói trên, văn bản nêu: "Bộ Tài chính tổng hợp kinh phí này khi xử lý chung kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa".

Vì vậy, cả địa phương và 2 trường ĐH của Thanh Hóa vẫn chờ đợi với thông báo chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến năm 2023 là 1.533 SV. Nhưng đến cuối tháng 7 khi gần hết thời hạn thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1, 2, trường buộc phải ra thông báo cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sang trường khác. Lý do là trường chỉ được phép thực hiện đào tạo SV sư phạm theo Nghị định 116 khi có quyết định giao nhiệm vụ của UBND tỉnh. Tình huống trớ trêu trong tuyển sinh đã xảy ra khi ngày 30.7 hết hạn xét tuyển đợt 1, nhưng ngày 1.8 UBND tỉnh Thanh Hóa mới ra quyết định giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định 116. Nhưng số chỉ tiêu bị cắt giảm mạnh từ 1.533 xuống còn 200 SV.

NHỮNG RÀO CẢN GÂY BẤT CẬP

Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi UBND các tỉnh thành về việc rà soát kinh phí thực hiện Nghị định 116; báo cáo số kinh phí địa phương đã bố trí và còn thiếu nếu có từ năm học 2021 - 2022 đến nay để hỗ trợ SV sư phạm. Trong đó, các địa phương xác định khả năng cân đối của ngân sách địa phương và nhu cầu kinh phí cần hỗ trợ từ ngân sách T.Ư nếu có. Đồng thời nêu các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị trong triển khai thực hiện.

Sinh viên sư phạm bị nợ sinh hoạt phí nhiều tỉ đồng: Cần điều chỉnh nghị định - Ảnh 2.

Thí sinh thi đánh giá năng lực vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2023

NGỌC DƯƠNG

Theo hiệu trưởng một trường ĐH có đào tạo giáo viên, một trong những nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định 116 này chính là việc không có cơ chế ràng buộc SV được cấp kinh phí phải về địa phương công tác. Trong khi đó, sau khi tốt nghiệp, địa phương không có quyền ưu tiên tuyển dụng số SV tốt nghiệp này. Điều này khiến các địa phương lúng túng, e ngại khi giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu và chi trả kinh phí đào tạo và hỗ trợ SV. Do đó, cách thức triển khai chưa đạt hiệu quả như mong muốn ban đầu.

Ông Phan Đoàn Thái, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận, cho rằng việc hỗ trợ đào tạo cho SV sư phạm theo Nghị định 116 là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, việc triển khai hiện gặp nhiều vấn đề do một vài điểm được quy định trong nghị định này. Theo ông Thái, để chính sách được triển khai hiệu quả hơn cần phải "sửa" từ chính nghị định này. Cụ thể, theo ông Thái chỉ nên chia 2 nhóm SV ngành sư phạm. Trong đó, một nhóm SV được tuyển theo chỉ tiêu đào tạo của địa phương, được địa phương hỗ trợ gồm kinh phí cấp bù học phí và sinh hoạt phí. Các SV này phải ký hợp đồng với địa phương, cam kết sau khi tốt nghiệp chịu sự phân công làm việc của địa phương trong một thời gian nhất định. Trường hợp không chấp hành sự phân công, người học phải bồi hoàn kinh phí cho địa phương theo quy định; Nhóm SV còn lại không cam kết và muốn theo học ngành sư phạm, sẽ tự túc kinh phí học tập và việc làm sau này.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng nhất trí cho rằng Nghị định 116 có chính sách hỗ trợ người học ngành sư phạm tốt hơn hẳn so với các quy định cũ. Tuy nhiên quá trình triển khai đang có những rào cản gây bất cập, đặc biệt là thiếu kinh phí hỗ trợ. "Mấu chốt của vấn đề phải xuất phát từ việc xây dựng đề án nhu cầu giáo viên của các địa phương trong thời gian 4 - 5 năm. Trên cơ sở đó, các địa phương hỗ trợ kinh phí đào tạo, bố trí việc làm sau khi ra trường", ông Hồng phân tích.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Chính trị và công tác SV Trường ĐH Đà Lạt, cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay trong triển khai Nghị định 116 là giải ngân kinh phí hỗ trợ người học. Việc này hiện bị chậm có khi 1 - 2 học kỳ nhưng nhà nước chưa cấp kinh phí, trường chưa thể giải quyết cho người học. "Kinh phí này thông qua Bộ GD-ĐT hay qua tỉnh thì vẫn là ngân sách nhà nước, nếu tập trung về một đầu mối để thực hiện hiệu quả hơn", tiến sĩ Ngọc ý kiến.

"Nghị định đã có quy định nhưng cần chi tiết hơn về quy trình, cơ chế và trách nhiệm của các bên liên quan. Chẳng hạn, SV hưởng chính sách sau khi tốt nghiệp thì ai quản lý? Nếu được tuyển dụng thì thực hiện khai báo ở đâu, nếu người học muốn bồi hoàn kinh phí đào tạo để chuyển công việc khác thực hiện như thế nào… Hiện các thông tin chưa cụ thể", một cán bộ đào tạo tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.