Sinh viên tốt nghiệp ĐH sư phạm một số môn không chọn làm giáo viên

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/03/2024 16:28 GMT+7

Bộ GD-ĐT cho rằng những sinh viên tốt nghiệp ĐH sư phạm các môn tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật, công nghệ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, thường có xu hướng làm các công việc khác có thu nhập cao hơn giáo viên.

Thiếu giáo viên do thiếu nguồn tuyển

Bộ GD-ĐT cho rằng, một trong những nguyên nhân các địa phương chưa tuyển dụng hết số biên chế giáo viên được giao là thiếu nguồn tuyển dụng. Nếu không kịp thời tuyển dụng số giáo viên này thì tiếp tục xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông.

Bên cạnh đó còn gây nhiều khó khăn cho các cơ sở trong triển khai các nhiệm vụ giáo dục, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của một bộ phận trẻ em, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục và gây ra sự quá tải đối với giáo viên.

Sinh viên tốt nghiệp ĐH sư phạm một số môn không chọn làm giáo viên- Ảnh 1.

Bộ GD-ĐT cho rằng, những sinh viên tốt nghiệp ĐH sư phạm một số môn có xu hướng làm các công việc khác có thu nhập cao hơn giáo viên

NGỌC THẮNG

Tuy nhiên, những sinh viên tốt nghiệp ĐH sư phạm hoặc cử nhân đào tạo chuyên ngành các môn tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật, công nghệ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, thường có xu hướng làm các công việc khác có thu nhập cao hơn.

Do đó, việc tuyển dụng, hợp đồng những giáo viên các môn đặc thù có trình độ cử nhân theo quy định về chuẩn trình độ đào tạo rất khó khăn, số lượng sinh viên đào tạo để dạy các môn học mới ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên) còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bộ GD-ĐT đề xuất cần thiết phải tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên, bảo đảm có đủ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở một số môn học, bao gồm: lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, công nghệ, ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học và THCS...

Bộ GD-ĐT cũng đề xuất tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy một số môn học trên ở cấp tiểu học và THCS. 

Luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: "Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT. Trường hợp môn học còn thiếu thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm".

Bộ GD-ĐT cho rằng việc nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại luật Giáo dục 2019 là định hướng phấn đấu và phù hợp với xu thế phát triển, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, là bước đột phá, đổi mới mạnh mẽ nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đối mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29.

Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp, với yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần phải bổ sung đủ số lượng giáo viên đứng lớp bảo đảm theo thực tế dự báo tăng dân số cơ học và thực hiện giảng dạy các môn học.

Thu nhập là nguyên nhân khó thu hút người giỏi vào sư phạm

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống cho giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố. 

Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên không an tâm công tác, một bộ phận giáo viên bỏ việc, chuyển việc; đồng thời, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số giáo viên còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.

Hiện tại, có nhiều địa phương ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút nhà giáo trẻ, nhà giáo công tác ở các vùng khó khăn hoặc nhà giáo giỏi có trình độ cao về công tác tại địa phương.

Tuy nhiên, việc ban hành chính sách đặc thù với nhà giáo còn nhiều khó khăn do chưa có căn cứ pháp lý để thực hiện. Vì vậy, rất cần bổ sung quy định về việc khuyến khích địa phương ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút nhà giáo.

Bộ GD-ĐT nêu dự báo đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp THCS: môn công nghệ thiếu 11.598 giáo viên, môn khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên, môn nghệ thuật thiếu 4.321 giáo viên (dự thảo báo cáo đánh giá giữa kỳ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.