Số bị can trong các vụ án ‘Việt Á’ và ‘chuyến bay giải cứu’ sẽ còn tăng

03/01/2023 19:37 GMT+7

Đây là thông tin được trung tướng Tô Ân Xô , Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an chia sẻ tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3.1.

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo, trung tướng Tô Ân Xô cho biết, đến nay, đối với vụ trọng án Việt Á đã khởi tố 29 vụ việc với 102 bị can; còn vụ án "chuyến bay giải cứu", đã khởi tố 39 bị can.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo

lê quân

Về tổng giá trị tài sản bị kê biên, phong tỏa, nộp khắc phục hậu quả trong vụ Việt Á đến nay là 1.670 tỉ đồng; vụ "chuyến bay giải cứu" là 80 tỉ đồng.

“Nhiều khả năng, trong thời gian tới số bị can của 2 vụ án này sẽ tiếp tục gia tăng. Cơ quan điều tra của Bộ Công an đang cố gắng nỗ lực để hoàn thành kết luận điều tra trong quý 1.2023”, trung tướng Tô Ân Xô cho biết.

Số bị can các vụ án ‘Việt Á’ và ‘chuyến bay giải cứu’ sẽ còn tăng

Trong "đại án" Việt Á, Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều bị can để làm rõ nhiều tội danh khác nhau.

Trong số các bị can, có tới 8 người là cựu lãnh đạo, quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ KH-CN, điển hình như: ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), ông Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN). Còn lại phần lớn là lãnh đạo, cán bộ tỉnh ủy, UBND, trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), sở y tế… nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Quá trình điều tra, Bộ Công an xác định bị can Phan Quốc Việt, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á, đã thu lãi 4.000 tỉ đồng và chi “bôi trơn” khoảng 800 tỉ đồng cho các đối tác để được cung ứng kit xét nghiệm.

Giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ, mới học hết lớp 3

Với vụ án "chuyến bay giải cứu", ngày 27.1.2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), đánh dấu thời điểm “cất lưới” một trong những vụ tiêu cực có quy mô và tính chất phức tạp nhất từ trước tới nay.

Bốn bị can thuộc cơ quan này đồng loạt bị bắt giam về tội nhận hối lộ, gồm: cục trưởng, phó cục trưởng, chánh văn phòng và một phó phòng.

Từ một chủ trương nhân đạo của Đảng, Chính phủ, “chuyến bay giải cứu” đã bị các cán bộ biến chất lợi dụng chức vụ để trục lợi.

Trả lời báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lúc đó là bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan trong nước, địa phương và đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp các hãng hàng không triển khai hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước an toàn.

Liên quan đến các “chuyến bay giải cứu”, Bộ Chính trị phê bình nghiêm khắc ông Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ban Bí thư thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ngoài ra, hàng loạt cựu cán bộ ngoại giao bị kỷ luật khiển trách. Cùng với đó, nhiều cựu cán bộ thuộc nhiều bộ, ngành bị khai trừ khỏi Đảng, đều là những bị can đã bị khởi tố, bắt giam.

“Chuyến bay giải cứu” cũng là một trong những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18.11.2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm vụ án này.

2022 nhìn lại: Các vụ án chấn động dư luận
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.