Theo Bloomberg, có 41 triệu kiện bông được giao dịch trong một ngày trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu hồi tuần trước. Với mỗi kiện bông may được khoảng 215 chiếc quần jean, số bông trên đủ cho ra lò 9 tỉ chiếc quần cho cả thế giới.
Giá cả bông tăng gần 19% trong bốn ngày hồi tuần trước, sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục hồi tháng 2. Đại lục là nước tiêu thụ bông lớn nhất và là nước sản xuất lớn thứ nhì thế giới.
Giới thương nhân ngập tràn hàng hóa Trung Quốc, khiến lượng giao dịch mọi thứ, từ thép đến than đều tăng cao. Sự gia tăng trong giao dịch hàng hóa gợi nhớ đợt tăng giá cổ phiếu của nước này năm ngoái, trước khi thị trường chứng khoán lao dốc xóa sạch 5.000 tỉ USD.
Chứng khoán Trung Quốc náo loạn vì ông Tập quá ôm đồm?
“Mức giá thấp kỷ lục trong tháng 2 và tháng 3 đã làm bùng nổ mối quan tâm từ bên trong, bên ngoài ngành sản xuất bông và cũng ảnh hưởng đến thị trường tương lai. Với mức đầu tư lớn và sự khuyến khích từ các thị trường sắt thép đang nóng ở Trung Quốc, tình cảm đang chuyển từ tiêu cực sang tích cực”, chuyên gia Liu Qiannan thuộc hãng Galaxy Futures ở Bắc Kinh cho hay.
Cùng ngày Trung Quốc giao dịch 41 triệu kiện bông, 3,3 triệu kiện bông được giao dịch ở New York (Mỹ). Số bông giao dịch ở Mỹ đủ để làm ra 700 triệu chiếc quần, đủ để cung cấp cho người dân Mỹ, Nhật Bản và Brazil.
Trước đây, hoạt động mua bông vải của Đại lục đã từng được chú ý. Hồi năm 2011, chính phủ nước này đặt ra mức giá tối thiếu và bắt đầu dự trữ hàng hóa để hỗ trợ người trồng bông trong nước. Việc này khuyến khích họ sản xuất và tạo ra bước nhảy vọt trong giá cả bông hồi tháng 3 năm ngoái.
Song để đối phó với “cơn sốt” giao dịch, sàn Trịnh Châu trong tuần này tăng phí giao dịch hợp đồng bông tương lai từ 4,3 nhân dân tệ lên 6 nhân dân tệ, nâng yêu cầu ký quỹ và biên độ giao dịch hằng ngày. Động thái của sàn Trịnh Châu và các sàn khác, trong đó có Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên, đang khiến giao dịch hàng hóa tương lai ở Đại lục đắt đỏ hơn với các nhà đầu tư.
Ngân hàng Morgan Stanley từng cho hay sự gia tăng trong giao dịch đầu cơ đã khiến thị trường choáng váng, Ngân hàng Goldman Sachs thì bày tỏ quan ngại về sự gia tăng trong giao dịch đầu cơ quặng sắt tương lai, cho hay khối lượng giao dịch hiện quá lớn, đến mức vượt lượng nhập khẩu hằng năm.
Bình luận (0)