Chiều 10.11, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng đoàn công tác thành phố đã thăm, khảo sát thực tế công tác phòng chống dịch Covid-19 tại một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ đang hoạt động trong Khu Công nghệ cao TP.HCM (TP.Thủ Đức).
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng kiểm tra khu cách ly tập trung của các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao; thăm hỏi, trò chuyện với một số F0 nhẹ đang được cách ly tạm thời.
Bí thư Nguyễn Văn Nên (ngoài cùng bên phải) trò chuyện với một F0 bên trong khu cách ly tập trung của Khu Công nghệ cao TP.HCM |
Nguyên vũ |
Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Nguyễn Anh Thi cho biết đến nay các doanh nghiệp khu công nghệ cao ghi nhận 2.547 ca nhiễm (bao gồm các ca phát sinh tại doanh nghiệp và ngoài doanh nghiệp), trong đó hơn 1.000 ca nhiễm là của Công ty TNHH Nidec Sankyo phát sinh giai đoạn đầu tháng 7.2021.
Riêng giai đoạn từ ngày 1.10 đến nay có 774 ca nhiễm, trong đó số ca phát sinh tại nhà máy là 533 ca. Đáng chú ý, số doanh nghiệp có ca F0 và số lượng F0 liên tục tăng trong 3 tuần gần nhất, tương ứng với 11 doanh nghiệp - 99 ca, 14 doanh nghiệp - 142 ca và 19 doanh nghiệp - 235 ca. “Số ca mắc Covid-19 bắt đầu tăng từ giữa tháng 10 cùng với việc mở rộng quy mô sử dụng lao động của các doanh nghiệp”, ông Thi cho hay.
Ông Thi thông tin Khu Công nghệ cao đã đưa vào vận hành Khu cách ly tạm dành cho F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ tại với quy mô 100 giường trong giai đoạn đầu và có thể mở rộng quy mô lên 200 giường, đây là mô hình đầu tiên của TP.HCM và cả nước. Cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi và mở rộng quy mô khá nhanh. Dự kiến đến cuối tháng 11.2021, toàn bộ doanh nghiệp sẽ khôi phục hoạt động.
Covid-19 sáng 11.11: Cả nước 992.735 ca nhiễm, 844.054 ca khỏi | Thêm 1 vắc xin được cấp phép |
Lấy quỹ đất trống xây nhà ở cho công nhân
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá Khu Công nghệ cao TP.HCM luôn giữ vững thế mạnh sau 18 năm hình thành và phát triển, nhất là trong giai đoạn thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19 đã chấp hành tốt các hướng dẫn, quy định về phòng chống dịch, duy trì sản xuất.
Trong giai đoạn hiện nay, TP.HCM xác định việc chăm sóc cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có đóng góp lớn chính là công tác xúc tiến đầu tư có ý nghĩa nhất.
Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị nghiên cứu quỹ đất chưa sử dụng trong Khu Công nghệ cao TP.HCM xây dựng nhà ở cho công nhân |
nguyên vũ |
Ông Nên đánh giá cao việc các doanh nghiệp chi trả 70% lương cho người lao động trong thời gian dừng hoạt động, bao gồm cả những lao động đã về quê bởi việc này không chỉ đảm bảo vấn đề an sinh xã hội mà còn giúp người lao động an tâm ở lại thành phố, tạo niềm tin cho những người đã về quê quay lại làm việc.
Bên cạnh đó, Khu Công nghệ cao TP.HCM cũng chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu để kiểm soát rủi ro dịch Covid-19.
Đánh giá việc hình thành cơ sở cách ly tập trung cho người lao động mắc Covid-19 là điểm sáng của khu công nghệ cao, ông Nên đề nghị Sở Y tế tập trung hỗ trợ các vấn đề ban đầu của khu cách ly, trong đó sớm bổ sung các loại thuốc điều trị Covid-19 và các bệnh khác.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM cũng đề nghị BQL Khu Công nghệ cao phối hợp với TP.Thủ Đức chủ động kiểm soát rủi ro khi công nhân, người lao động quay lại làm việc. Đồng thời, nắm chắc người lao động quay trở lại làm việc chưa tiêm vắc xin Covid-19 đủ liều để tổ chức tiêm sớm. Riêng vấn đề nhà ở xã hội, khu lưu trú công nhân, ông Nên đề nghị Ban quản lý Khu Công nghệ cao nghiên cứu những khu đất chưa sử dụng để tính toán xây dựng nhà ở cho công nhân, giúp công nhân yên tâm sản xuất.
Bộ Y tế phê duyệt vắc xin Covaxin của Ấn Độ cho phòng chống dịch Covid-19 |
Theo dữ liệu doanh nghiệp báo cáo trên phần mềm quản lý lao động của Khu Công nghệ cao TP.HCM, đến ngày 8.11 có 49.374 người tiêm đủ mũi 2, 12.460 người lao động tiêm mũi 1.
Tính đến ngày 8.11, 88 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số 45.425 lao động, trong đó có 67 doanh nghiệp hoạt động trong giai đoạn trước ngày 1.10 theo các phương thức “3 tại chỗ”, “2 điểm 1 cung đường” và 21 doanh nghiệp mới khôi phục hoạt động hoạt động sau ngày 1.10. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm đạt gần 29 tỉ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ; ước giá trị sản xuất năm 2021 giảm từ 10-15% so với kế hoạch đề ra, ước đạt từ 21,25 tỉ USD đến 22,5 tỉ USD.
Bình luận (0)