Số phát ban nghi sởi là 38.364 ca, tăng hơn 94 lần so với năm 2023. Một số tỉnh thành có số ca phát ban nghi sởi cao là: Đồng Nai (6.360), TP.HCM (4.758), Bình Dương (4.745), Cà Mau (2.405).
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân gia tăng bệnh sởi và một số bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc xin là do tỷ lệ tiêm vắc xin thấp, miễn dịch trong cộng đồng không đạt mức để có thể ngăn ngừa lây lan, bùng phát dịch; gián đoạn cung ứng vắc xin trên toàn cầu sau đại dịch Covid-19; thủ tục mua sắm, đấu thầu, đặt hàng vắc xin kéo dài; công tác phòng dịch gặp khó khăn về quản lý đối tượng tiêm chủng; có hiện tượng chống vắc xin, không đưa trẻ đi tiêm chủng trong một bộ phận người dân, nhất là ở các đô thị lớn.
Tại Hà Nội, trước thực tế nhiều ca mắc sởi là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi (trước tuổi tiêm vắc xin), Sở Y tế Hà Nội đã đề xuất Bộ Y tế đồng ý triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi trên địa bàn thành phố, bằng nguồn vắc xin được cung ứng từ Bộ Y tế.
Hiện theo quy định trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin sởi sử dụng cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, nhóm tuổi dưới 9 tháng đang chiếm tỷ lệ cao trên địa bàn Hà Nội và nhiều trẻ mắc sởi trước tuổi tiêm chủng.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2024, toàn thành phố ghi nhận 259 trường hợp mắc sởi. Nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất là trẻ từ 1 - 5 tuổi với 85 trường hợp mắc (32,8%). Tiếp đến là nhóm dưới 9 tháng tuổi với 75 trường hợp (29%). Nhóm từ 9 - 11 tháng tuổi chiếm 18,1%…
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vắc xin sởi đơn có thể tiêm cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là biện pháp tăng cường chống dịch. Mũi vắc xin này được xem như là mũi "sởi 0" và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.
Bình luận (0)