Những ngày này, hàng ngàn hộ nuôi tôm thẻ tại đồng bằng sông Cửu Long đang sống dở chết dở vì... trúng vụ tôm lớn nhất từ trước đến nay. Bởi ngay khi họ còn chưa kịp thu hoạch, giá tôm thẻ thương lái thu mua đã giảm gần một nửa so với trước đó.
Dù "được mùa mất giá" đã nằm trong dự tính nhưng tới mức đổ nợ vì trúng vụ thì không phải ai cũng "nuốt trôi" được. Đáng lo ngại là tình trạng này ngày càng lan rộng với mức độ trầm trọng hơn. Trước đó, người trồng dưa hấu phải thả trôi sông vì không bán được, người trồng rau ở Đà Lạt phải nhổ cho bò ăn... Suốt những tháng qua, hàng triệu người trồng lúa, nông sản ghi tên VN vào bản đồ xuất khẩu của thế giới, cũng điêu đứng vì... được mùa vụ đông xuân. Lúa tồn kho và rớt giá khiến họ đứng ngồi không yên. Mất mùa đã khổ nhưng với nhiều người hiện nay, được mùa còn đáng sợ hơn. Họ thực sự rơi vào bế tắc. Có người bỏ lúa trồng màu; nhiều người lại phó mặc may rủi để chạy theo thị trường, thấy cây gì, con gì được giá thì lao vào nuôi, trồng và tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn "chặt trồng - trồng chặt". Nhưng mọi chuyện không dừng ở đó. Chính sự bấp bênh này là cơ sở để các thương lái Trung Quốc tìm cách phá hoại ngành nông nghiệp trong nước. Chỉ với một "chiêu" duy nhất là thu mua giá cao, tạo thành phong trào nuôi trồng, thu gom rồi đột ngột biến mất, họ đã đẩy nhiều gia đình, nhiều người vào cảnh sống dở, chết dở. Bất chấp sự cảnh báo của chính quyền địa phương, bất chấp hậu quả ngay trước mắt... nhiều người vẫn cứ lao theo. Cũng khó có thể trách họ bởi nếu họ trung thành với một loại cây trồng hay vật nuôi nào đó thì kết quả như trên, cũng không khá hơn. Vậy làm sao có thể kêu gọi họ "cảnh giác" với các chiêu - trò của thương lái Trung Quốc?
Trên thực tế, vấn đề của ngành nông nghiệp đã được đặt ra từ rất lâu nhưng chủ yếu vẫn là bàn. Ngay cả việc chuyển đổi đất lúa sang trồng mùa dù đã nhận sự đồng thuận ở tất cả các cấp nhưng triển khai cũng hết sức lúng túng, chậm trễ. Trong khi ngành nông nghiệp vẫn còn đang loay hoay với câu hỏi chuyển bao nhiêu, chuyển sang cây gì, liệu sau một thời gian có rơi vào tình trạng thừa cung hay không thì tình trạng chuyển đổi tự phát lại đang diễn ra ở nhiều nơi. Nếu không nhanh chóng có quy hoạch cụ thể, chúng ta sẽ lại mất thời gian để giải quyết hậu quả của sự chậm trễ này. Nhưng dù chuyển sang cây gì, con gì mà không xây dựng được mối liên kết giữa người nuôi, trồng với các DN sản xuất, kinh doanh; không xây dựng được các nhà máy chế biến, tạm trữ nằm trong chính vùng nguyên liệu thì rất khó có thể giải quyết được bài toán "được mùa - mất giá", "chặt trồng - trồng chặt" của ngành nông nghiệp VN bao lâu nay.
Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp lại hạn chế áp dụng tiến bộ khoa học nên giá thành sản xuất cao. Ngành nông nghiệp được đánh giá sẽ tổn thương nhiều nhất khi VN tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng đến lúc này chúng ta vẫn bế tắc giải các bài toán cũ, những người nông dân trực tiếp nuôi trồng vẫn sống trong các nghịch lý cay đắng, sợ được mùa.
Vậy chúng ta sẽ cạnh tranh thế nào khi nông sản không thuế của các nước trong khu vực tràn vào sau khi TPP chính thức được ký kết?
Nguyên Khanh
Bình luận (0)