Tại buổi họp báo chiều 19.7 về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thành phố đang triển khai các khu tiếp nhận điều trị F0, hiện đang điều trị khoảng 30.000 trường hợp; đồng thời cho biết ngành y tế dự trù cho kịch bản 60.000 bệnh nhân.
TP.HCM đang xây dựng bệnh viện dã chiến mới tại Q.7 và H.Bình Chánh. Ông Nam thông tin hiện khu điều trị F0 tại khu tái định cư vẫn còn rộng, năng lực tiếp nhận F0 vẫn dư khả năng của thành phố.
Về số lượng máy thở và ECMO, ông Nam khẳng định cơ bản đáp ứng cho công tác điều trị; các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhi đồng TP, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đều được đầu tư thêm trang thiết bị. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tài trợ cho công tác điều trị với số lượng lớn máy thở.
Phó giám đốc Sở Y tế cũng cho biết đã chuẩn bị các kịch bản và mở rộng nhiều cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhiều bệnh viện áp dụng mô hình chia đôi bệnh viện vừa chăm sóc bệnh nhân theo chuyên khoa vừa điều trị bệnh nhân Covid-29. Như Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị có chuyên ngành rất sâu nhưng vẫn tổ chức mô hình này, vừa chăm sóc sản phụ khoa, vừa điều trị bệnh nhân Covid-19.
Giải đáp câu hỏi vì sao bệnh viện dã chiến không có máy thở, ông Nam cho biết bệnh viện dã chiến là nơi điều trị F0 không có triệu chứng và được trang bị bình oxy, không cần phải trang bị máy thở. Máy thở cần được tập trung ở các bệnh viện gần như tuyến cuối.
|
Đối với bệnh viện dã chiến, ngành y tế đang lắp đặt hệ thống oxy cao áp để đảm bảo cho các khu vực này. Mỗi bệnh viện dã chiến được chuẩn bị 4 bình oxy cao áp, mỗi bình 2 tấn và tiếp tục bổ sung. Bên cạnh đó, ngành y tế chuẩn bị 180 bình oxy để phân bổ về các quận, huyện và TP.Thủ Đức để đáp ứng ngay nhu cầu của người bệnh.
Trả lời câu hỏi về chủ trương chỉ định thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, Phó giám đốc Sở Y tế thông tin Luật Đấu thầu cho phép trong tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh được áp dụng hình thức này. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể. Ông Nam cho biết hình thức này nằm trong luật, vấn đề quan trọng là khi mua sắm “làm sao cho đúng quy định, xác định giá đúng”.
Khi mua sắm, khâu thẩm định giá rất quan trọng, có thể tham khảo nhiều kênh như kết quả của một đơn vị đấu thầu trong thời gian gần nhất, giá chính thống của Bộ Y tế… “Chỉ định thầu cũng là một hình thức đấu thầu, chỉ là rút ngắn thời gian thực hiện, ngành y tế phải thực hiện đầy đủ quy định”, ông Nam nói.
Bình luận (0)