Xung đột bùng phát vào sáng sớm 15.4 và kéo sang hôm nay 16.4, sau nhiều tuần tranh giành quyền lực giữa quân đội quốc gia Sudan do tướng Abdel Fattah Al-Burhan chỉ huy và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), nhóm dân quân được nhà nước bảo trợ và do tướng Mohamed Hamdan Dagalo chỉ huy, theo AFP.
Quân đội Sudan không kích các căn cứ lực lượng nổi dậy
Tướng Burhan hiện là người đứng đầu chính quyền quân sự ở Sudan, trong khi tướng Dagalo là cấp phó của ông. Hai vị tướng từng hợp tác với nhau để lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Omar al-Bashir vào năm 2019. Song hai bên đã bắt đầu cạnh tranh quyền lực trong bối cảnh các phe phái chính trị ở Sudan cố gắng đàm phán để thành lập một chính phủ chuyển tiếp sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021.
Cả quân đội và RSF đều tuyên bố họ đã kiểm soát sân bay của Sudan và các cơ sở quan trọng khác ở thủ đô Khartoum, nơi giao tranh nổ ra trong đêm, theo Reuters.
Trong những giờ đầu của ngày 16.4, người dân cho hay đã nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ từ pháo hạng nặng suốt đêm. "Chúng tôi rất sợ, 24 tiếng đồng hồ không ngủ vì tiếng ồn và nhà rung lắc. Chúng tôi lo hết nước, thức ăn và thuốc men cho người cha mắc bệnh tiểu đường của mình", cô Huda, một cư dân trẻ ở phía nam Khartoum cho Reuters hay.
"Tình hình rất đáng lo ngại và có vẻ như sẽ không sớm hạ nhiệt", Ahmed Seif, một cư dân khác ở Khartoum nhận định, theo AFP.
Ủy ban Bác sĩ Sudan trung ương thông báo ít nhất 56 dân thường đã thiệt mạng và 595 người, bao gồm cả các chiến binh, đã bị thương kể từ khi giao tranh nổ ra. Khoảng một nửa số dân thường thiệt mạng ở các tỉnh bên ngoài thủ đô Khartoum, theo Reuters. Số người thiệt mạng được đưa ra trước đó là 27.
Ủy ban Bác sĩ Sudan trung ương còn nói rằng có nhiều quân nhân cũng thiệt mạng nhưng không đưa ra con số cụ thể do thiếu thông tin trực tiếp từ các bệnh viện tiếp nhận những người bị thương.
Trong khi đó, nhiều nước, như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ai Cập và Ả Rập Xê Út, cũng như Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi, đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch.
Nỗ lực của các nước láng giềng và cơ quan khu vực nhằm chấm dứt bạo lực đã gia tăng trong ngày 16.4. Trong đó, Ai Cập và Nam Sudan đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa các bên tham chiến, theo Reuters trích dẫn một tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống Ai Cập.
Bình luận (0)